MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) góp ý thảo luận về dự án sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Kỳ vọng chấm dứt cán bộ công chức trây ỳ, ngại đổi mới

ĐẶNG CHUNG - CAO NGUYÊN LDO | 25/10/2019 14:13

Ngày 24.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Một trong những điểm mới trong dự án luật là sẽ thực hiện hợp đồng xác định thời hạn đối với tất cả viên chức tuyển dụng mới, nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, thu hút người tài, không còn “viên chức suốt đời”. Điểm mới này được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng công chức, viên chức trây ỳ, ngại đổi mới.

Tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, quy định về chế độ hợp đồng đối với viên chức được tuyển dụng mới là nội dung rất quan trọng, nhận được sự quan tâm. Để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho lựa chọn Phương án 1 là: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đoàn TP.Đà Nẵng) cho rằng, đây là quy định ảnh hưởng rất lớn đến đội ngũ viên chức trên phạm vi cả nước và nhận được sự quan tâm rất lớn xã hội.

“Thực tiễn hiện nay, với các đơn vị tự chủ, đơn vị sự nghiệp công lập, một trong những việc sống còn của đơn vị là phải tuyển dụng những viên chức có chất lượng, có năng lực vào vị trí công việc để đảm bảo được hoạt động của đơn vị. Nếu bỏ viên chức suốt đời sẽ làm được điều này. Nhưng việc ký hợp đồng không xác định thời hạn cũng sẽ tạo điều kiện, cũng như môi trường làm việc gắn bó cho viên chức đối với đơn vị. Nếu chúng ta nói tạo động lực thì có rất nhiều các phương án để tạo động lực. Thứ nhất, về việc đánh giá cán bộ công chức. Thứ hai là công tác về thi đua, khen thưởng. Thứ ba, chế độ tiền lương cũng là những điều kiện để tạo động lực cho người lao động” - bà Yến cho biết.

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Đoàn TP.Cần Thơ) băn khoăn, nếu thống nhất phương án 1 như trong dự thảo luật thì sẽ mâu thuẫn với khoản 3 Điều 20 của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này. Khoản 3 Điều 20 vẫn quy định: “Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần. Sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn”.

Làm rõ khái niệm “nhân tài”

Một nội dung khác cũng nhận được sự quan tâm, tranh luận của đại biểu Quốc hội là quy định về người tài, chính sách đãi ngộ với người tài. Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu 3 tiêu chí chọn người tài, trong đó có việc những người cạnh tranh cùng thừa nhận người đó là giỏi.

Còn theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn TP.Hà Nội), một người được coi là nhân tài phải tổng hoà, vừa là người giỏi, có tâm, chí công vô tư, có đầy đủ nhiệt huyết, đóng góp cho tập thể, cho đất nước. Ngoài ra, nhân tài muốn phát triển phải có môi trường tốt, giống như hạt giống tốt phải được gieo trên đất tốt mới đơm hoa, kết trái, cho vụ mùa bội thu. Tức là tạo cơ chế, môi trường để người tài làm việc, phát huy hết khả năng của mình. Theo ông Tuấn hiện còn có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về thất nghiệp, nhiều xe ôm là thạc sĩ.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) nêu quan điểm, chữ “nhân tài” nên hiểu là năng lực của mỗi con người. “Các cụ của chúng ta có câu rất đơn giản, dụng nhân như dụng mộc, tức là dùng đúng người đúng chỗ” - ông Quốc nói.

Cũng tranh luận về nội dung này, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) kiến nghị trong luật cần làm rõ đối tượng người có tài năng, có bao gồm đối tượng là những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, những người đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế... hay không?

“Nếu không quy định rõ thì rất dễ lạm dụng và tùy tiện trong thực hiện. Hơn nữa, Chính phủ một chính sách và Hội đồng các tỉnh đưa ra một chính sách ưu đãi, điều này dẫn đến không thống nhất trong chính sách đãi ngộ nhân tài” - đại biểu Thức nhấn mạnh.

Đề xuất cắt quyền lợi cán bộ đã nghỉ hưu bị kỷ luật

Về hình thức kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng đề nghị quy định rõ trong luật hình thức kỷ luật phải đi kèm theo hệ quả pháp lý nhất định về vật chất, tinh thần mà người bị xử lý kỷ luật phải chịu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.

Theo đó, đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách chức vụ” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng. Đ.CHUNG-C.NGUYÊN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn