MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: T.Vương

Kỳ vọng tân Bộ trưởng Y tế vượt qua áp lực, vực dậy ngành y

Nhóm PV LDO | 21/10/2022 17:04
Đại biểu Quốc hội kỳ vọng tân Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ vượt qua được những áp lực, hy vọng có thể vực dậy ngành y. Bởi, tất cả đều mong ngành y sẽ có sự phát triển, có sự đổi mới.

Chiều nay (21.10), tại kỳ họp 4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 với bà Đào Hồng Lan.

Bên hành lang Quốc hội, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh) về những như kỳ vọng vào tư lệnh mới của ngành y tế.

- Bà Đào Hồng Lan vừa chính thức được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026. Bà có suy nghĩ như thế nào về nhiệm vụ của tư lệnh mới ngành y tế? 

- ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Ngành y tế là ngành đặc thù, chăm sóc sức khỏe toàn dân, cho nên, tôi rất thông cảm và chia sẻ với bất kỳ ai nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Y tế ở vị trí này đều rất áp lực. 

- Có ý kiến cho rằng Bộ trưởng không có chuyên môn về ngành y thì sẽ khó trong công tác điều hành. Quan điểm của bà về việc này như thế nào?

- ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Tôi cho rằng, dù người có chuyên môn giỏi đi chăng nữa nhưng không có sự vào cuộc, không có chủ trương, định hướng tốt thì cũng rất khó. 

Có người lo ngại không có chuyên môn sẽ làm không tốt, tuy nhiên, mỗi công việc sẽ có đặc thù. Với ngành y tế, người đứng đầu có chuyên môn thì là điều tốt nhưng điều đó không có nghĩa người không có chuyên môn thì không làm được. 

Điều tôi mong muốn trước đây đó là công việc của một Bộ trưởng sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu như Bộ trưởng từng có một khoảng thời gian ở trong ngành y tế, làm một cương vị nào đó trong ngành và tích lũy được kinh nghiệm. 

Từ trước đến nay, người có chuyên môn đã làm nhưng vẫn gặp khó. Đối với Bộ trưởng không có chuyên môn trong ngành y tế, tôi cho rằng giống như một phép thử.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cần là nhà quản lý, không nhất thiết phải làm chuyên môn. Tôi mong rằng, với những quyết sách đúng đắn, ngành y sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn.

- Điều mà đại biểu kỳ vọng, mong mỏi Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ làm trong thời gian tới là gì, để có thể vực dậy ngành y? 

- ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Những khó khăn của ngành tích trữ nhiều năm, do chính sách, do cách chúng ta áp dụng. Bộ trưởng tuy không nắm chuyên môn nhưng tôi tin Bộ trưởng sẽ dũng cảm quyết định những vấn đề quan trọng, quyết tâm vì người dân, vì sự phát triển của ngành.

Tôi kỳ vọng Bộ trưởng quan tâm, quyết định những vấn đề quan trọng nhất, vấn đề mong muốn lớn nhất của ngành như tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Đừng chỉ hài lòng với các báo cáo của các sở y tế, phải lắng nghe sự thật và quyết tâm để giải quyết.

Ở vị trí tư lệnh ngành, tôi hết sức thông cảm và chia sẻ với áp lực của Bộ trưởng Y tế, tôi mong Bộ trưởng sẽ vượt qua được những áp lực, hy vọng một phép lạ để vực dậy ngành y. Bởi, tất cả đều mong ngành y sẽ có sự phát triển, có sự đổi mới. 

- Thưa đại biểu, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 4.162 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gần tương đương với con số này của cả năm 2021. Làn sóng nghỉ việc, chuyển việc ngày càng nhiều hơn trong cán bộ, nhân viên y tế. Bà có suy nghĩ gì về điều này?

- ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Đúng là thời gian vừa qua, hiện tượng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc được nhắc tới nhiều.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, luỹ kế từ đầu năm 2021 đến 30.6.2022 có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Đây là một hệ quả tất yếu khi chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc không tương xứng với công sức mà nhân viên y tế bỏ ra. Điều này khiến toàn xã hội lo lắng. 

Cũng có ý kiến cho rằng việc bác sĩ chuyển ra khu vực y tế tư nhân làm thì vẫn phục cho xã hội. Tôi cho rằng, ở một mức độ nào đó ý kiến này đúng một phần nhưng hệ thống y tế tư nhân chủ yếu khám cho người có tiền.

Trong khi đó, đa số người dân, người còn khó khăn rất nhiều. Vì thế mới cần có chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế… 

Tôi mong rằng, tới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có những tìm hiểu, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền liên quan để giải quyết được tình hình này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn