MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn TP Hà Nội). Ảnh T.Vương

“Là công dân Thủ đô nhưng không khí ô nhiễm nhất, đường tắc nhất tôi rất buồn"

VƯƠNG NGUYÊN CHUNG LDO | 09/06/2020 13:59

Đại biểu nêu thực trạng nhức nhối về giao thông, môi trường tại Hà Nội và bày tỏ mong muốn cần chính sách đột phá cho sự phát triển của Thủ đô xứng tầm với nguyện vọng và mong muốn của nhân dân.

Sáng 9.6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Cho ý kiến thảo luận về dự thảo, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù nhằm phát triển thành phố Hà Nội. Một số chính sách đặc thù này cũng đã được thực hiện thí điểm ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nêu từng vấn đề cụ thể, ông Cường cho rằng, với việc Hà Nội được chủ động trong việc thu thêm phí hoặc thu tăng phí (do HĐND thành phố quyết định), việc này nhằm tăng cường nguồn lực cũng như sự phát triển cho thành phố. Việc thu thêm phí hoặc được thu tăng phí đi cùng với việc tạo cảnh quan tốt hơn, tạo môi trường tốt hơn, phục vụ tốt hơn là cơ sở để tạo điều kiện phát triển vượt trội của thủ đô.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội). Ảnh T.Vương

Về việc ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, theo ông Cường, cơ chế này sẽ giúp Hà Nội thực hiện tốt hơn việc quản lý tài sản công. Đồng thời thành phố sẽ thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả hơn việc di dời các cơ sở cũ. Mặt khác, việc này cũng hỗ trợ cho Thành phố có thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn một số cơ sở hạ tầng quan trọng theo Chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030.

Cùng nêu ý kiến về việc này, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đồng tình với  việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội là điều cần thiết để phát triển thành phố.

Tuy nhiên, bà Khánh nêu: “Chúng ta là công dân thủ đô nhưng đi trên đường không khí ô nhiễm nhất, đường tắc nhất, tôi rất buồn. Nhiều khi đi các địa phương, tôi thấy đường sá thênh thang, không khí trong lành tôi lại ước gì Hà Nội được như thế. Giờ ở Hà Nội ra đường thì trang phục kín mít, không còn nhìn thấy gì nữa”.

Bà Khánh đề nghị, Hà Nội cần có đề xuất cởi mở, đột phá hơn cho thủ đô phát triển như nguyện vọng của cử tri và nhân dân và phải xứng tầm. “Chứ không phải mỗi lần lại đi xin nhỏ giọt thì bao giờ mới thay đổi được” - bà Khánh nói.

Cũng theo bà, khi có cơ chế đặc thù thì cần có trách nhiệm quản lý đồng tiền của nhân dân, nhà nước một cách có hiệu quả. Mặt khác có cơ chế đặc thù để nội thành phát triển nhưng các vùng ngoại thành cũng phải được phát triển tương xứng. 

Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) nhìn nhận, đối chiếu với nội dung quy định dự thảo nghị quyết thì thấy còn thiếu những quy định mang tính đột phá thực sự. Còn thiếu những cơ chế, chính sách đặc thù về thuế…

Liên quan tới cơ chế cho phép Hà Nội được thí điểm thu thêm phí, tăng phí, bà Mai cũng cho rằng cơ chế đặc thù này là cần thiết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh thì chưa nên áp dụng ngay việc này mà cần có lộ trình cụ thể, phù hợp.

Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng nêu vấn đề thực tế nhiều địa phương phải xin cơ chế đặc thù như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để phát triển.  

Mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau, cũng mong muốn được phát triển nhưng về hành chính công và dịch vụ công không tìm được lối ra, loay hoay như một chiếc áo chật. Do vậy, cần một bước đột phá về hành chính công, dịch vụ công để tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, "trăm hoa đua nở", khai phóng được nguồn lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn