MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc Phiên giải trình sáng nay. Ảnh: Q.Khánh/ĐBND

Lạm dụng bảo hiểm y tế: Có trường hợp cắt tử cung rồi mà vẫn đi đẻ

Thùy Linh LDO | 03/10/2019 13:20
Vấn đề lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế tiếp tục làm "nóng" phiên họp toàn thể thứ 15 của Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập sáng nay (3.10). 

Chậm thanh toán là do chưa thống nhất được

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chất vấn về cơ sở nào dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giao cho các địa phương mà năm sau lại giảm hơn năm trước, trong lúc đang mở rộng, phát triển y tế? Vì sao Bảo hiểm xã hội chậm thanh toán tiền bảo hiểm y tế cho các bệnh viện? 

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội chất vấn: "Khi bệnh viện tự chủ, vấn đề bảo hiểm y tế vô cùng quan trọng. Vậy làm sao đảm bảo kinh phí khám chữa bệnh, đồng thời đảm bảo chống lạm dụng, thất thoát, lãng phí. Bảo hiểm Xã hội đã có hàng nghìn hợp đồng với các bệnh viện, về mặt chuyên môn có biện pháp gì ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế?"

Trả lời tại phiên họp, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói: "Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạm ứng 80% cho các cơ sở y tế, sau 5 ngày là tạm ứng đủ theo quý - 3 tháng liền. Về việc này, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành chỉ thị, rồi có hệ thống công nghệ thông tin theo dõi tỉnh nào tồn tiền trên tài khoản, để lâu sẽ bị phê bình. Việc tạm ứng, chúng tôi làm rất nghiêm túc".

Về tình trạng chậm thanh toán, theo ông Sơn, để quyết toán được phải thống nhất với nhau về nguyên nhân, số liệu quyết toán, chậm là nguyên nhân 2 phía. Có những bệnh viện chưa ký biên bản vượt trần vượt quý từ năm 2017.

"Đơn cử như Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, tồn dư 18 tỉ đồng chưa được thanh toán, lý do là khi chuyển cơ sở mới, bệnh viện tăng số lượt bệnh nhân, mức trần vượt bệnh nhân nằm trong tổng trần. Việc này theo quy định là bệnh viện thuyết minh, Bảo hiểm xã hội sẽ thẩm định. Tuy nhiên đến giờ, bệnh viện tỉnh chưa thuyết minh, không chịu thuyết minh thì chúng tôi có bị phê bình cũng không thể thanh toán được. Nếu cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán sẽ thành sai"- ông Sơn nói. 

Ông Phạm Lương Sơn cũng khẳng định có nhiều bệnh viện chưa ký biên bản quyết toán. Tình trạng chậm này, thực tế là có, để giải quyết được giữa bệnh viện và Bảo hiểm xã hội phải quyết liệt hơn nữa mới có thể thống nhất.

Khó áp dụng luật hình sự để xử lý trục lợi bảo hiểm

Làm sao kiểm soát được phòng chống lạm dụng, ông Sơn cho rằng: "Kể cả khi đã ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, có quy định của luật hình sự, nhưng chúng tôi không thể đưa hết những trường hợp gian lận, lạm dụng vào hình sự được, vì phải thông tin, trao đổi giữa 2 đơn vị, chỉ những trường hợp vô lý thì chúng tôi từ chối thanh toán, nếu cứ từ chối và bệnh viện không đồng ý thì cứ báo cáo lên các cấp là chúng tôi chậm".

Ông Sơn khẳng định có tình trạng thu gom bệnh nhân xảy ra cả ở bệnh viện công lập, nhất là các bệnh viện y dược cổ truyền phục hồi chức năng, có tình trạng chia tách dịch vụ y tế  để trục lợi bảo hiểm là có thật...

"Thậm chí có trường hợp cắt tử cung rồi vẫn đi đẻ, hay 1 người mà mổ Phaco 3 mắt. Lúc chúng tôi kiểm tra, trao đổi thì họ bảo nhầm, xin lỗi, dữ liệu nhầm, chỉ có trường hợp cắt tử cung vẫn đẻ thì thừa nhận là chị cho em mượn thẻ để đi đẻ. Chẳng nhẽ "bỏ tù" cô em vì mượn thẻ của chị đi đẻ hay sao?..."- ông Sơn nói. 

Còn về dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ông Sơn cho biết năm nào cũng cao hơn năm trước. Ví dụ năm 2018 là 91 nghìn tỉ, năm 2019 là 97 nghìn tỉ, năm sau dự tính là 102 nghìn tỉ, ở đâu đó có bệnh viện nào thấp hơn, là do vấn đề phân bổ kinh phí mà thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn