MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Đình Sơn (Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Thanh Hóa).

Làm gì để đẩy lùi được “bệnh thích nịnh” của cán bộ, lãnh đạo?

HOA LÊ LDO | 13/02/2018 07:00
Phát biểu tại hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã nêu lại ý kiến của nhiều bí thư tỉnh uỷ chỉ ra tình trạng: “Ta đang mắc bệnh nan y “rất thích nịnh”. Kiểm điểm, phê bình, tự phê bình chủ yếu là nịnh nên đồng chí mình không biết được khuyết điểm”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề làm thế nào để trị tận gốc căn bệnh này, đa số các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và thẳng thắn của những người đứng đầu với cơ quan, tổ chức.

Người đứng đầu phải thẳng thắn trao đổi

Thẳn thắn nêu rõ tình trạng hiện nay có hiện tượng nhân viên cấp dưới “nịnh” cấp trên, Nhà thơ Vương Anh (Thanh Hóa) nhận định, việc xu nịnh với cán bộ cấp trên có nhiều biểu hiện như có thể là giấu giếm bên trong hoặc thể hiện sự bao che, khen ngợi nhau dù thực tế còn nhiều vấn đề phải góp ý. Việc không thẳng thắn trao đổi, đánh giá tại các cơ quan, tổ chức sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.

“Để đầy lùi được căn bệnh “nịnh” không thể làm ngày một ngày hai. Nó phải thay đổi từ trong nhận thức, tác phong từ người đứng đầu đến cấp dưới của cơ quan, tổ chức. Quan trọng nhất, người đứng đầu phải trung thực, trung thành, nói là làm chứ không đứng trên nghị quyết chung chung” - nhà thơ Vương Anh cho biết.

Đồng quan điểm trên, song Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Bửu (Ninh Thuận) đã thẳng thắn chỉ ra một thực tế, đó là nhiều cơ quan, tổ chức đều có Ban kiểm tra của Đảng theo dõi sâu sát và biết hiện tượng họp kiểm điểm có tinh thần xây dựng hay không. Tại nhiều tổ chức Đảng còn hiện tượng kiểm điểm, phê bình nhưng còn “nương tay” và chưa thẳng thắn. Điều này vô hình chung khiến cán bộ của mình đang không nhận thức chính xác ưu điểm và nhược điểm để thay đổi và phát triển.

Nịnh nọt của cấp dưới đối với cấp trên đều có “động cơ”?

Để đánh giá cán bộ một cách chuẩn xác, ông Lê Đình Sơn (Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Thanh Hóa) cho rằng vai trò, vị trí của người đứng đầu rất quan trọng. Người đứng đầu có thể phải “quán xuyến” và sẽ phát hiện ra vấn đề cấp dưới có thẳng thắn góp ý hay là bao che, xu nịnh.

Vốn là người đứng đầu sẽ dễ dàng nhận thức được việc cấp dưới nói thật, làm thật hay xu nịnh. Điều quan trọng ở đây người đứng đầu sẽ ứng xử ra sao, xử lý như thế nào để hạn chế tối đa được “thói quen”, tâm lý nịnh nọt và tiếp thu những ý kiến phản biện, góp ý của cán bộ để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

Thông thường, tâm lý ưa nịnh của cấp trên và thói quen nịnh nọt của cấp dưới đều có “động cơ” nào đó. Người đứng đầu muốn có lãnh đạo đúng đắn thì nhận thức vấn đề phải chuẩn chỉnh, tiếp thu cả những ưu điểm cũng như khuyết điểm mà cấp dưới đề cập ra. Để đẩy lùi việc xu nịnh, người cấp trên thẳng thắn giáo dục, trao đổi cho cấp dưới hiểu được và nắm rõ tinh thần.

“Nếu việc xu nịnh diễn ra thường xuyên hơn, người đứng đầu có những biện pháp mạnh để đẩy lùi. Nhiều cơ quan có thể công khai, quán triệt việc tránh xu nịnh trong tổ chức, tuy nhiên phải thực hiện một cách khéo léo thì vừa mềm mỏng vừa mang tính răn đe” - ông Lê Đình Sơn cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn