MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Nam - nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hoá. Ảnh: Internet

Làm "quan" thì phải hy sinh

Xuân Hùng (ghi) LDO | 20/12/2017 15:57
Theo ông Lê Nam - nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của QH và là người đã kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo ở Thanh Hoá, sau sự việc Trung ương ra quyết định thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, GĐ Sở Xây dựng và cán bộ liên quan, có rất nhiều thực tế ở Thanh Hoá về công tác cán bộ cần thẳng thắn nhìn nhận và có những bài học rất sâu sắc. 

Thứ nhất, vấn đề sắp tới đây là rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng. Công tác cán bộ đã được nhấn mạnh cách đây 2 khoá. Quá trình sắp xếp bộ máy, lựa chọn nhân sự là rất cần thiết đã được Trung ương chỉ ra rất kỹ. 

Thứ hai, đòi hỏi sự giữ gìn của những người lãnh đạo. Khi đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao quyền lực phải biết giữ gìn, đặc biệt là về phẩm chất đạo đức. Đã làm quan rồi thì phải giữ gìn, phải hy sinh. Làm quan bây giờ cũng là một nghề rất nguy hiểm. Quanh cái ghế của anh có nhiều thứ rình rập. Người làm lãnh đạo cứ tưởng mình ghê gớm khủng khiếp nhưng thực ra nhiều khi cũng rất mong manh.

Khi đứng trước rất nhiều thử thách, cám dỗ, nếu không chủ động giữ gìn, phòng ngừa với chính mình thì bất cứ ai, càng lên cao càng có nhiều cạm bẫy, càng nhiều cám dỗ, càng nhiều hiểm nguy. Càng lên cao càng mong manh, bão tố càng nhiều.

Thứ ba, một trong những sức mạnh của Đảng là nguyên tắc phê bình và tự phê bình. Đôi khi nói lên nguyên tắc này, có người thấy xa vời, lý thuyết nhưng thực sự bản chất rất chân thành. Phê bình không phải cứ mang ra cuộc họp, mang ra chi bộ, Đảng bộ hay Thường vụ rồi nói nhau. Thực tế có việc không dám nói thẳng với nhau, không chân thành với nhau, đến khi xảy ra chuyện thì đổ vỡ. Đây là bài học rất quan trọng.

Trong Đảng bộ Thanh Hoá hiện nay có biểu hiện của sự không nói thật với nhau. Trong cuộc họp nói rất hay, vẫn khen nhau nhưng bản chất của vấn đề là không ổn. Phê bình phải thật chân thành với nhau, hay thì nói hay, dở thì bảo dở. Nhưng thực tế có trường hợp cái được thì không công nhận luôn mà còn nói “để xem đã” hay “để suy nghĩ”… Cái không được thì vẫn nói là được, vẫn khen nhau. Đồng chí với nhau mà như thế thì rất nguy hiểm. 

Thứ tư, không phải thế lực thù địch nào mà chính các quan hệ bên ngoài chi phối vào nội bộ. Đây chính là một nguy cơ rất nguy hiểm, nó làm tha hoá cán bộ, gây chia rẽ và làm nội bộ rối tung lên. Sự tác động, chi phối này rất ngọt ngào, núp bóng dưới những quan hệ bằng mỹ từ như kêu gọi, hỗ trợ đầu tư, các Cty, tập đoàn kinh tế… Thực chất là núp bóng dưới những lợi ích kinh tế. Đây là việc rất nhạy cảm, rất cần phải đề phòng.

Dây và Cáp điện Trần Phú - Ðộ bền thách thức thời gian

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn