MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu. Ảnh: PV

Lạm quyền người tiêu dùng gây thiệt hại, xử lý thế nào?

NHÓM PV LDO | 10/11/2022 16:54
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy nêu một thực tế: Một số trường hợp người tiêu dùng đã lạm dụng quyền của mình, dẫn tới việc đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa gây ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh.

Phải bồi thường nếu đưa tin sai sự thật

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, chiều 10.11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng với hàng hóa trong quá trình sử dụng theo quy định. Bởi trên thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Chính vì vậy, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu xảy ra thiệt hại từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Các đại biểu dự phiên họp.

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng, bà Thúy đề nghị xem xét, bổ sung thêm nội dung công khai mã số đăng ký kinh doanh của công ty hoặc hộ kinh doanh với các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi có giao dịch từ xa với người tiêu dùng.

Theo đại biểu, việc này để bảo đảm thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh được đầy đủ. Như vậy, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn, đồng thời phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước…

Đại biểu Triệu Thị Huyền.

Cùng quan điểm, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cũng đề xuất xem xét bổ sung quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước những thông tin mình đưa ra. Nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh bị thiệt hại bởi thông tin sai sự thật thì người tiêu dùng phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường.

"Quy định như vậy sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua bán và sử dụng hàng hóa sản phẩm, dịch vụ", đại biểu nhấn mạnh.

Đồng thời, đại biểu đoàn Yên Bái cũng kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc can thiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Quan ngại quảng cáo sai sự thật, có nghệ sĩ tham gia

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây hậu quả lớn tới người tiêu dùng. Việc này khiến nông sản xanh, sạch khó có chỗ đứng trước những sản phẩm bẩn, kém chất lượng.

Từ đó, đại biểu nêu rõ, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra hậu quả khi không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đã được quy định tại khoản 1, Điều 16 dự thảo Luật.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh.

"Tôi quan ngại trước tình trạng quảng cáo sai sự thật tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm kém chất lượng với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng", đại biểu nói.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các công ty, tổ chức phải chịu trách nhiệm về những thông tin quảng cáo của mình.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) góp ý về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Đại biểu nhất trí dự thảo luật chia sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thành hai nhóm: Nhóm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng và nhóm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Trên cơ sở này để quy định mức độ trách nhiệm tương ứng của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thu hồi đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cũng đề nghị quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra. Theo đại biểu, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn