MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm rõ bản chất pháp lý của cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án

T.VƯƠNG LDO | 14/09/2019 13:45
Ủy ban Tư pháp đề nghị làm rõ bản chất pháp lý của cơ chế hòa giải, đối thoại trong dự thảo Luật là hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng hay hòa giải, đối thoại trong tố tụng.

Sáng ngày 14.9, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định trong dự thảo Luật là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, khác biệt so với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Tòa án Nhân dân tiến hành hoặc hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình. Ảnh Quochoi.vn

Cơ chế này sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng tòa án thực hiện công tác hòa giải, đối thoại, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành.

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, Uỷ ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết: “Uỷ ban Tư pháp tán thành với phạm vi và đối tượng hòa giải, đối thoại phải thỏa mãn 2 điều kiện: Một là, những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân. Hai là, phải có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa án giải quyết”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao làm rõ thêm các nội dung về bản chất pháp lý của cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án; trách nhiệm của tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày dự án thẩm tra dự Luật. Ảnh Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao làm rõ bản chất pháp lý của cơ chế hòa giải, đối thoại trong dự thảo Luật là hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng hay hòa giải, đối thoại trong tố tụng; mối quan hệ với cơ chế hòa giải, đối thoại trong tố tụng và các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện nay.

Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định: Dự án Luật mang tính xã hội nhân văn rất cao. Bởi đây là kênh mới, kênh này xuất phát từ khi tòa án nhận được đơn khởi kiện hay đơn yêu cầu nên mới gọi là hòa giải đối thoại tại tòa án.

Nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp cũng đồng ý quy định hòa giải đối thoại là những vụ việc kiện dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động hay khiếu kiện hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự thảo luật nếu được thông qua không chỉ giảm chi phí cho ngân sách, cho toà án mà giảm chi phí cho xã hội, do đó cần được khuyến khích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn