MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hòa tấu cồng chiêng - tiết mục văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường, nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình. Ảnh: TTXVN

Làm rõ căn cứ xác định vốn chương trình phát triển văn hóa 256.250 tỉ đồng

NHÓM PV LDO | 03/06/2024 11:21

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, có ý kiến cho rằng, tổng số vốn dự kiến dành cho chương trình phát triển văn hóa là khá lớn, do đó đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của chương trình.

Sáng 3.6, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét đề xuất chi 256.250 tỉ đồng đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan chủ trì soạn thảo - cho biết nguồn lực thực hiện chương trình trong 5 năm đầu là 122.250 tỉ đồng; 5 năm sau là 134.000 tỉ đồng.

Dự kiến nguồn vốn giai đoạn 2025-2030. Ảnh: Phạm Đông

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư.

Có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho chương trình là khá lớn, cao hơn so với các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện. Do đó đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của chương trình.

Ủy ban cơ bản nhất trí mức bố trí vốn ngân sách trung ương cho chương trình. Hội đồng thẩm định quốc gia xác nhận đây là mức có thể chấp nhận được, nằm trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, theo quy định của Luật Đầu tư công, do chưa đến thời điểm để dự toán nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 nên chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho chương trình.

Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng căn cứ đề xuất tổng mức vốn đầu tư phát triển thực hiện chương trình, căn cứ phân bổ vốn hằng năm, tính toán kỹ lưỡng về khả năng thực hiện, giải ngân chương trình để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Phạm Đông

Về ngân sách địa phương, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Ủy ban đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí vốn ngân sách địa phương phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Về dự kiến phân bổ vốn đầu tư phát triển, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thuyết minh cụ thể về dự kiến phân bổ vốn.

"Phụ lục số 09 về dự kiến nguồn ngân sách trung ương đầu tư phát triển giai đoạn 2026-2030 chỉ dự kiến phân bổ số vốn 50.000 tỉ đồng cho 5 nội dung, chưa rõ số lượng, mức đầu tư, danh mục dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư phát triển từ chương trình", ông Nguyễn Đắc Vinh nói và cho biết, chưa có đủ cơ sở để đánh giá về sự phù hợp, tính khả thi của đề xuất.

Về thời gian thực hiện chương trình, đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với tờ trình của Chính phủ và cho rằng, thời gian thực hiện chương trình là 11 năm, phân chia thành 3 giai đoạn là hợp lý; có thời gian để các cơ quan chuẩn bị thực hiện chương trình.

Có ý kiến đề nghị xác định thời gian thực hiện Chương trình theo hai giai đoạn là 2026-2030 và 2031-2035 để đảm bảo tính khả thi trong việc phân bổ nguồn vốn, phù hợp với giai đoạn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời thuận tiện trong công tác theo dõi, đánh giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn