MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Quốc hội

Làm rõ nhu cầu bố trí lực lượng cảnh vệ tại Công an một số địa phương

CAO NGUYÊN LDO | 12/06/2024 17:51

Chiều 12.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ sửa đổi. Theo đó, còn có một số ý kiến đề nghị làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng cảnh vệ cho phù hợp với thực tế; làm rõ nhu cầu bố trí lực lượng này tại Công an một số địa phương; đề nghị không làm tăng biên chế và bộ máy.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, về lực lượng cảnh vệ (khoản 11 Điều 1), một số ý kiến cho rằng, quy định về lực lượng cảnh vệ của dự thảo Luật mâu thuẫn với quy định tại Điều 4 và Điều 20 của Luật Cảnh vệ hiện hành, chưa thống nhất với cách quy định về tổ chức trong Luật Cảnh sát cơ động, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ mô hình tổ chức của lực lượng cảnh vệ cho phù hợp với thực tế; làm rõ nhu cầu bố trí lực lượng cảnh vệ tại Công an một số địa phương; đề nghị không làm tăng biên chế và bộ máy.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị lực lượng cảnh vệ chỉ tổ chức ở cấp bộ không tổ chức ở địa phương và Chính phủ quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện công tác cảnh vệ.

Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ (điểm e khoản 3 Điều 1), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết một số ý kiến nhất trí quy định như dự thảo Luật.

Một số ý kiến khác đề nghị làm rõ tiêu chí, trường hợp cấp thiết ngay trong Luật và làm rõ sự tương thích về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an với quy định của Hiến pháp.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh giải thích quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả biện pháp cảnh vệ, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Quốc hội

Do đó, việc dự thảo Luật bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và công tác cảnh vệ.

Với lập luận việc quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải được quy định trong luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ cụ thể, không phải giao ban hành văn bản quy định về nội dung này, là phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật được chỉnh lý.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục rà soát, phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, báo cáo giải trình rõ hơn về đối tượng cảnh vệ, đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam và lực lượng cảnh vệ để bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua.

Dự kiến Luật Cảnh vệ sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua ngày 27.6 tới đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn