MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) phát biểu thảo luận tại tổ sáng 23.5. Ảnh: Phạm Trần

Làm rõ trách nhiệm gói tín dụng 120.000 tỉ chỉ giải ngân được 83 tỉ đồng

NHÓM PV LDO | 23/05/2024 12:03

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) chia sẻ, một số chính sách như gói tín dụng 120.000 tỉ đồng là rất tốt, nhân văn nhưng đến nay việc giải ngân rất chậm (mới được 83 tỉ đồng).

Sáng nay 23.5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục với phiên thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên), hiện nay trên thị trường bất động sản đang thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Chính vì vậy chúng ta cần phải có phương án và kế hoạch để điều chỉnh cho hợp lý.

“Về nhà ở xã hội có nơi thì thừa, nơi thì thiếu. Gói tín dụng 120.000 tỉ cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỉ đồng là rất thấp. Chính vì vậy, theo tôi cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân rất mong mỏi, chờ đợi điều này” - bà Yên nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề giá nhà ở và đất ở, thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) cho biết đây là vấn đề các cử tri rất quan tâm.

Theo bà Hương, báo cáo thẩm tra đã đánh giá cụ thể, hiện nay diễn ra tình trạng người có nhu cầu nhưng không thể mua do thủ tục phức tạp.

“Tôi đề nghị cần làm rõ thủ tục đó là thủ tục gì, vấn đề phức tạp cụ thể là gì, sớm có các giải pháp quyết liệt tháo gỡ” - bà Hương nói.

Bên cạnh đó, trình trạng đầu cơ, chênh lệch giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với nhà nước và trên thực tế; có tình trạng lách luật trong đầu tư, mua bán nhà ở xã hội. Bà Hương đề nghị cần làm rõ tình trạng này để có biện pháp hạn chế.

Ngoài ra, vị đại biểu thống nhất với kiến nghị sớm nghiên cứu giải quyết nội dung báo cáo nêu về tốc độ tăng giá nhà chung cư, giá đất ở tại các thành phố lớn gấp rất nhiều lần so với tăng thu nhập khiến nhu cầu mua nhà ở của người lao động, nhất là công chức, viên chức trẻ không được đảm bảo.

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân, đề ra các giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng nêu trên.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, Việt Nam nằm trong top các nước có thu nhập trung bình cao, nhưng giá nhà chung cư, nhất là ở các thành phố lớn tăng cao đột biến.

Nguyên nhân là do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối; các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, mất thanh khoản dòng tiền…

“Cần sớm có giải pháp đẩy mạnh nguồn cung, tháo gỡ, ổn định giá nhà chung cư, đặc biệt là nhà ở xã hội để người có thu nhập trung bình có thể tiếp cận được” - ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng cần có giải pháp hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng đầu cơ vào đất đai, khiến nhiều người mong muốn nhưng không thể tiếp cận được nhà ở do giá quá cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn