MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nghĩa Đức/QH

Làm rõ việc điều hành giá điện và dự án trọng điểm năng lượng có sai phạm

PHẠM ĐÔNG LDO | 26/07/2023 16:22

Chiều 26.7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, việc thành lập Đoàn giám sát nhằm đánh giá khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016–2021.

Đồng thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân (những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện); làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Từ đó có kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29.8.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28.10.2022 về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016–2021 với rất nhiều công việc, hoạt động đã và đang được triển khai.

Trong 3 tập đoàn năng lượng lớn có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Hôm nay, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Nghĩa Đức/QH

Để đáp ứng yêu cầu đề ra, ông Huy đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp cụ thể.

Trong đó, tập trung vào việc đánh giá, làm rõ kết quả nổi bật đã đạt được; tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, khuyết điểm, sai phạm (nếu có), nguyên nhân khách quan, chủ quan; trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; giải pháp và đề xuất, kiến nghị.

Ông Lê Quang Huy đề nghị, cần tập trung làm rõ các vấn đề liên quan tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (cung ứng điện, nhập khẩu điện, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…); cơ sở hạ tầng ngành điện; sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước đầu tư vào các dự án hạ tầng ngành điện, nhất là các dự án lưới điện; giá điện, thị trường điện, giá nhập khẩu năng lượng sơ cấp, giá FIT, hợp đồng mua bán điện…; điều hành giá điện.

Bên cạnh đó, cần làm rõ tình hình thực hiện các dự án chậm tiến độ (đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia). Việc giải quyết những tồn đọng, thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra và kiểm toán. Vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, quy định của pháp luật và những vấn đề khác có liên quan.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng lưu ý, phải đề xuất được 2 danh mục mà tập đoàn cần báo cáo gồm: Danh mục về các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, trong đó bao gồm: Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng.

Danh mục về các dự án trọng điểm năng lượng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia hiện nay chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc, có sai phạm,…

Tiếp đó, các đại biểu nghe đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Đồng thời các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận thêm về các nội dung này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn