MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” sẽ củng cố niềm tin của công chúng với báo chí. Ảnh: NGỌC CHÂU

Lan tỏa văn hoá báo chí tạo sức sống mới, niềm tin mới

Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ - Tổng cục Chính trị QĐNDVN LDO | 21/06/2022 07:32
Hôm nay (ngày 21.6),  nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân sẽ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”. Sự kiện được kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới, tăng thêm niềm tin của công chúng với báo chí và góp phần sàng lọc đội ngũ những người làm báo.

Báo chí là một phần của văn hóa

Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối nội, đối ngoại của mọi quốc gia, dân tộc. Báo chí là một phần của văn hóa và người làm báo góp phần quan trọng để lan tỏa văn  hóa.

Ở nước ta, kể từ khi tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 21.6.1925, trải qua 97 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tuyệt đại đa số các tác phẩm báo chí của chúng ta đã là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo đã là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Các cơ quan báo chí đều đã có các chương trình, chuyên mục chuyên sâu để tuyên truyền, cổ động các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện, cổ vũ cách làm hay, những gương người tốt, việc tốt điển hình, đồng thời phản ánh những thói hư, tật xấu, phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa... góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. Trong đó, có những chương trình, chuyên mục  tạo ra sức lan tỏa toàn xã hội như “Tấm lòng Vàng” (Báo Lao Động); Cuộc thi viết Những tấm gương bình dị mà cao quý (Báo Quân đội Nhân dân phối hợp với Báo Lao Động), “Việc tử tế”, “Cặp lá yêu thương” (Đài Truyền hình Việt Nam)...

Trong hơn 2 năm qua, trước đại dịch COVID-19, tinh thần cống hiến của các nhà báo đã  được dư luận xã hội hết sức hoan nghênh, nhiều tác phẩm báo chí về phòng chống dịch đã gây xúc động, lan tỏa tình người, được xã hội ghi nhận.

Báo chí phải chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - khẳng định: “Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Văn hóa trong báo chí còn thể hiện ở tính tiên phong và góp phần khơi dậy khát vọng Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, củng cố niềm tin xã hội.

Các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đều coi trọng việc nâng cao văn hóa của người làm báo, coi đây là vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan báo chí làm tốt công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho người làm báo, đề cao văn hóa báo chí, vẫn còn một số cơ quan vẫn chưa thực sự chú trọng công tác này. Có cơ quan còn xa rời tôn chỉ, mục đích của mình. Còn có những nhà báo thiếu tinh thần trách nhiệm, dẫn đến những vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.  

Đã có không ít vụ việc phản biện của báo chí chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu công tâm, phản biện sai lệch, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường cho cá nhân, tập thể, địa phương bị phản ánh. Việc đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trung thực, khách quan, thậm chí bịa đặt, bôi đen hoặc tô hồng vì những động cơ cá nhân, vụ lợi.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của một số cán bộ, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí có xu hướng gia tăng. Những hiện tượng đó đã được các đối tượng thù địch lợi dụng để nói xấu Đảng, nói xấu chế độ. 

Một số cơ quan báo chí còn  lợi dụng chức năng giám sát, phản biện xã hội để chạy theo sự kiện giật gân câu view mà xem nhẹ hay bỏ qua các vấn đề trọng tâm của đời sống, thậm chí thông tin chạy theo lợi ích nhóm. Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng  một số nhà báo lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để châm chọc, đả kích, đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Có nhà báo thoái hóa biến chất lợi dụng việc phản biện xã hội để đưa lên mạng xã hội những thông tin lệch lạc,  trái với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta.  

Cũng có nhà báo viết bài mang tính quảng cáo “tâng bốc” để nhận thù lao ngoài tòa soạn. Có nhà báo đi “đánh đấm”, “đếm tầng”, tạo sức ép cho doanh nghiệp để ký hợp đồng quảng cáo, thu nhập chính từ những bài báo không đăng. Thậm chí có nhà báo còn mang thư bạn đọc đi đe dọa các đơn vị và người bị “tố cáo” để “khủng bố”, vòi tiền đã bị bắt quả tang phải ngồi tù.  

Chỉ riêng năm 2021 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương của Hội Nhà báo Việt Nam đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong đó có một số vụ việc hội viên, nhà báo bị bắt vì cưỡng đoạt tài sản.  

Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí

Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” được kỳ vọng sẽ nhân lên những điểm sáng trong báo chí, để mỗi tòa soạn báo đều là những điểm sáng về văn hóa, mỗi nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Phong trào cũng sẽ góp phần  nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.  

Bởi lẽ, trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang thay đổi chiến thuật tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chống phá trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa là “mũi đột phá”, nhằm làm tan rã niềm tin, gây xáo trộn về lý luận, hoang mang trong tư tưởng, gây hoài nghi về mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm giảm sút lòng tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam.   

Bản chất của phong trào thi đua là tự nguyện, tự giác. Vì vậy, để phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”  sau “phát” sẽ không “động”,   rất cần sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Việc triển khai thực hiện phải duy trì thường xuyên, liên tục, thiết thực, tạo thành nền nếp trong các cơ quan báo chí; phân công rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong phối hợp thực hiện. Các cơ quan báo chí căn cứ kế hoạch và tiêu chí, nội dung yêu cầu của phong trào thi đua xây dựng, ban hành quy định (nội quy, quy chế…) của cơ quan, thiết thực xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn