MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng, Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng. Ảnh TH

Lãnh đạo phải nêu gương, đi đầu trong việc phòng chống hối lộ

Vương Trần LDO | 04/12/2019 10:46

Việt Nam coi hối hộ là một quốc nạn, cần phải chủ động phòng, ngừa và kiên quyết xử lý cứng rắn, triệt để và hiệu quả.

Từ 3-6.12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 10 sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tại đây, ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng, Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những chia sẻ liên quan tới việc áp dụng hệ thống quản lý chống hối lộ trong các cơ quan hành, dịch vụ công tại Việt Nam.

Theo ông Trường, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam coi hối hộ là một quốc nạn, cần phải chủ động phòng, ngừa và kiên quyết xử lý cứng rắn, triệt để và hiệu quả. Do vậy nhiệm vụ phòng chống tham nhũng nói chung và hối lộ nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết được Đảng và Nhà nước quán triệt thực hiện, nhất là trong các cơ quan hành chính công.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh PV

Tháng 6.2016, Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO đã ban hành Tiêu chuẩn quốc tế ISO 37001:2016 Hệ thống quản lý chống hối lộ - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu và đưa ra hướng dẫn cho việc thiết lập, áp dụng, duy trì, xem xét và cải tiến hệ thống quản lý chống hối lộ.

Phó Viện trưởng, Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho rằng: "Điều này đòi hỏi tổ chức phải thực hiện một loạt biện pháp như áp dụng chính sách chống hối lộ, chỉ định người giám sát việc tuân thủ chính sách đó, kiểm tra và đào tạo nhân viên, thực hiện đánh giá rủi ro đối với các dự án và đối tác kinh doanh, thực hiện kiểm soát tài chính và thương mại, lập báo cáo và các thủ tục điều tra”.

Theo đó, hệ thống quản lý chống hối lộ giúp các tổ chức xác định rõ trách nhiệm, chủ động tham gia vào đấu tranh chống hối lộ thông qua cam kết của lãnh đạo cao nhất về việc thiết lập văn hóa liêm chính, minh bạch, công khai và tuân thủ.

Ông Trường cho hay, để triển khai hiệu quả và hiệu lực tiêu chuẩn này trong các cơ quan hành chính công cần chú trọng nhận diện rõ những lĩnh vực nhảy cảm, dễ xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực như thuế, hải quan, quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý đầu tư xây dựng, cấp giấy phép...

 “Đặc biệt, lãnh đạo cao nhất phải nêu gương, đi đầu, chịu trách nhiệm trong việc phòng chống hối lộ; đảm bảo rằng hệ thống quản lý chống hối lộ được thiết lập, thực hiện và duy trì và được xem xét để giải quyết thoả đáng các rủi ro về hối lộ của tổ chức; tích hợp các yêu cầu của hệ thống quản lý chống hối lộ vào các quá trình của tổ chức; triển khai các nguồn lực thoả đáng và thích hợp cho việc thực hiện có hiệu lực hệ thống quản lý chống hối lộ...” – ông Trường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trường, việc huy động sự tham gia của các bên liên quan trong việc chống tham nhũng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng. Phải huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan trọng cuộc chiến chống tham nhũng, chứ không chỉ là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Hối lộ liên quan đến cả người đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn