MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh - Chí anh hùng sống mãi tuổi xanh

Nguyễn Huy Minh LDO | 14/08/2021 07:08
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta, một người con ưu tú của dân tộc đã trọn đời hy sinh vì Tổ quốc. Đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng, thành lập Tổng Công hội Bắc Kỳ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam. Đồng chí cũng là người sáng lập, đồng thời là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Hải Phòng và khu mỏ Hồng Gai; sáng lập Báo Lao Động năm 1929.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi nhưng rất sôi nổi và phong phú. Đang nhiệt tình, hăng say trong hoạt động cách mạng cho Đảng, cho dân tộc thì ông bị địch bắt khi đang trên đường đi công tác. Chúng giải ông về Sở Mật thám thành phố Vinh.

Suốt gần một tháng trong lao tù, Nguyễn Đức Cảnh bị tra tấn và hành hạ với đủ những ngón đòn tàn bạo của kẻ thù: Dùi cui, “điện khô”, “điện nước”, “máy bay”, “tàu thủy”… Trước những đòn tra tấn dã man, những thủ đoạn xảo quyệt, kể cả dụ dỗ, mua chuộc, Nguyễn Đức Cảnh không hề khuất phục, không khai một lời; một lòng, một dạ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, giữ vững khí tiết người cộng sản.

Cuối tháng 4.1931, Nguyễn Đức Cảnh bị giải từ Vinh ra Hà Nội, giam tại nhà giam Hỏa Lò và tiếp tục bị tra tấn dã man. Tại phiên tòa đế quốc Pháp xử tù chính trị ở Hà Nội, với lời lẽ đanh thép, Nguyễn Đức Cảnh dùng cả tiếng Việt và tiếng Pháp để lên án chế độ thực dân cướp nước, bác bỏ mọi lời buộc tội của chúng. Mặc dù vậy, ông vẫn bị tòa án thực dân kết án tử hình.

Ngày 30.7.1932, chúng đưa ông về Nhà lao Hải Phòng.

5h sáng ngày 31.7.1932, chúng đưa ông ra pháp trường xử tử. Trước lúc vĩnh biệt bạn bè, ông ngẩng cao đầu bước lên máy chém.

Một tên tay sai của thực dân Pháp đã thú nhận: “Tôi đã dự nhiều vụ xử chém, nhưng chưa thấy anh nào can đảm và bình tĩnh trước cái chết như anh Cảnh... Anh thản nhiên như không có chuyện gì, thế mới lạ, mới ghê chứ! Cố đạo Pháp làm phép rửa tội, anh Cảnh bảo: Không có tội gì mà rửa. Quan tòa cho uống rượu mạnh, anh bảo: Không cần! Rồi anh ung dung bước lên máy chém. Thật đáng phục!”.

Đồng chí Đặng Xuân Thiều, người quê Nam Định, có thời kỳ hoạt động cách mạng với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, lúc đó đang ở nhà tù của đế quốc, nghe tin đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hy sinh đã lặng đi hồi lâu, nước mắt trào ra vô cùng tiếc thương, và xúc động làm bài thơ tiễn bạn.

KHÓC NGUYỄN ĐỨC CẢNH

Ôi thôi! Anh Nguyễn qua rồi

Ngoài hai mươi tuổi đã người thiên thu

Nhận lấy chết không chờ mệnh số

Với trăng sao càng tỏ quang minh

Yêu đời nên phải quên mình

Tắt dòng máu thắm ngày xanh giữa vời

Lớp chúng ta - những người đồng cảnh

Bóng thế tình một mảnh như in

Hướng đi, ánh mắt cùng tìm

Hơi đời cùng thở, nhịp tim cùng hòa

Trang tuổi trẻ cùng qua thử lửa

Đoạt tay chèo sóng gió nhường ai

Niềm tin đon đả vui đời

Ước mơ chan chứa nụ cười câu ca

Yêu chân lý thiết tha say đắm

Nét chân tình lời thắm nên chương

Tinh hoa chung tụ mối rường

Gây nên Cộng sản mở đường tương lai Bước hăm hở lòng trai chí khí

Buổi nước non thiên lý lội lầy

Gian nguy dìu dắt bạn bầy

Tình trong đồng chí, tình ngoài nhân dân

Gặp hoạn nạn sa chân cạm bẫy

Ngẩng mắt trần thiêu cháy yêu ma

Bình minh chẳng hẹn đến giờ

Đầu rơi trước giá nở hoa muôn đời

Nhận sống thác làm người là thế

Đành tử sinh là lẽ tự nhiên

Đương cơn sóng cả con thuyền

Hoa tiêu thiếu một hải viên vững vàng

Ôi vội vã, gió sương một kiếp

Để tình người ước nếp áo khăn

Bóng dương qua lại tần ngần

Xuân thu rầu rĩ thay lần cỏ xanh

Đâu nấm đất vô danh tử sĩ

Giọt mưa rơi rủ rỉ lá vàng

“Đảng viên Cộng sản Đông Dương

Bỏ mình vì nghĩa giữa đường hôm qua”

Sông núi hỡi vòng hoa thiên cổ

Phủ cho Người nấm mộ thời gian

Nổi lên bão táp mưa ngàn

Sóng gào gió thét xua tan thảm sầu!

(ĐẶNG XUÂN THIỀU, viết năm 1932, nhà văn Lê Bính sưu tầm)

Một góc khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Thái Bình. Ảnh: Hải Nguyễn

Sau này, Đại đức Thích Thanh Tùng, Trụ trì Quan Âm Thiền Viện (chùa Ré, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình) đã có đôi câu đối viếng lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh như sau:

- Cờ đỏ, Công hội đỏ, chí anh hùng sống mãi tuổi xanh

- Biển xanh, khát vọng xanh, lòng sắt đá căng dòng máu đỏ

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là người sáng lập nên Báo Lao Động năm 1929, đồng thời là Tổng Biên tập đầu tiên. Tấm gương và khát vọng của ông mãi mãi soi đường cho các thế hệ làm Báo Lao Động tiếp bước theo sau!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn