MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Lấy phiếu tín nhiệm không "vì thương hay ghét" mà phải thực sự công tâm

Nhóm PV LDO | 24/10/2023 13:21

Đại biểu Quốc hội cho rằng, khi nhìn vào những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, phải nhìn đa chiều, không vì thương hay ghét, thích hay không thích để đánh giá, mà phải soi chiếu dưới lăng kính hiệu quả công việc, đó là điều quan trọng nhất.

Hiệu quả công việc phải đặt lên hàng đầu

Chiều nay 24.10, tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình để Quốc hội thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu sẽ được tiến hành vào sáng mai 25.10, bằng hình thức bỏ phiếu kín, kết quả công bố vào chiều cùng ngày.

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, TS Nguyễn Tri Thức - Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM - cho biết, khi bỏ phiếu tín nhiệm, ông kỳ vọng các vị Đại biểu Quốc hội phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu trong phiên khai mạc là "phải thực sự công tâm, khách quan".

"Khi nhìn vào vị nào được lấy phiếu tín nhiệm, phải nhìn đa chiều, không vì thương hay ghét, thích hay không thích để đánh giá mà phải soi chiếu dưới lăng kính hiệu quả công việc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức. Ảnh: Cường Ngô

Hiệu quả công việc phải đặt lên hàng đầu, nhưng không nhìn theo hướng phiến diện, thấy hiệu quả công việc của họ chưa như mình mong muốn mà lại đánh giá họ làm không tốt. Khi đánh giá phải nhìn trong bối cảnh chung, tình hình thế giới tác động thế nào, tình hình trong nước khó khăn ra sao... Có như vậy mới toàn diện được", ông Thức nói.

Theo đại biểu Nguyễn Tri Thức, việc bỏ phiếu có tác động rất tích cực, giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm soi lại mình để làm tốt hơn.

Lấy phiếu tín nhiệm là thực chất, không phải là động tác hình thức

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - cũng cho rằng, Quốc hội khóa XV tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh được Quốc hội thông qua và bổ nhiệm vào Kỳ họp thứ 6 này là một sự kiện rất lớn, rất quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội khóa XV khác với việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội khóa XIV ở những điểm cơ bản sau: Lần này lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần của Nghị quyết 96 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có 2 thay đổi quan trọng.

Thứ nhất, lấy phiếu tín nhiệm chung cho các lãnh đạo được Quốc hội thông qua. Nếu số phiếu tín nhiệm quá thấp, Quốc hội có thể xem xét cho nghỉ luôn.

Nếu số phiếu tín nhiệm mặc dù thấp, nhưng chưa thấp đến mức phải cho thôi việc, thì chuyển qua mức bỏ phiếu tín nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm mà qua được, mới được tiếp tục làm, còn nếu không đủ phiếu tín nhiệm thì sẽ cho thôi. Đây chính là điểm khác biệt.

"Đây là việc cử tri hết sức mong đợi. Điều này chứng tỏ rằng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là thực chất, không phải là động tác hình thức, chỉ có nhắc nhở không. Tôi cho rằng điều này rất hay", ông Trí nói.

Thứ hai, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này có sự chuẩn bị rất chu đáo. Các đại biểu Quốc hội đã nhận được các thông tin chính thức của các vị lãnh đạo sẽ tham gia trong lần lấy phiếu tín nhiệm này.

"Hơn 2 tuần trước, chúng tôi đã nhận được để nghiên cứu. Với một số lượng hơn 40 người như vậy, rất cần phải có sự xem xét, nghiên cứu trước lúc bỏ phiếu", ông Trí cho hay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Tạ Văn Hạ nhấn mạnh yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất mới có hiệu lực, hiệu quả. Để đạt mục tiêu này, trước hết lá phiếu phải có "chất lượng".

"Lá phiếu chất lượng là lá phiếu công tâm, chính xác và phải thể hiện được tính nghiêm túc, bản lĩnh của người ghi phiếu tín nhiệm. Muốn vậy anh phải có thông tin, có đầy đủ cơ sở để đánh giá thật khách quan, có trách nhiệm đối với người được lấy phiếu", ông Hạ nhấn mạnh.

Ngoài ra việc đánh giá không chỉ về chuyên môn mà còn cần phẩm chất. Do vậy phải có thông tin rất đầy đủ, rõ ràng để đại biểu Quốc hội có cơ sở đánh giá. Và các cơ quan khác liên quan cũng phải cung cấp những thông tin đó khi đại biểu cần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn