MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Ảnh: Phan Anh

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giúp luật đi vào thực tiễn nhanh nhất

Cát Tường LDO | 17/03/2023 08:38
Ngày 15.3.2023, chính thức khép lại thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hàng nghìn ý kiến đóng góp từ 63 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành đã được gửi về cho Ban soạn thảo thông qua nhiều hình thức.

Người dân được thể hiện ý chí, nguyện vọng 

Hơn 2 tháng qua, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều bộ, ngành cũng đã ban hành và triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT).

Tính đến sáng 13.3, Bộ TNMT đã thống kê được 7.979 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân (https://luatdatdai.monre.gov.vn).

PGS-TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) - cho biết: “Lần lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai có ý nghĩa rất lớn, giúp Ban soạn thảo và Tổ biên tập chỉnh sửa trước khi trình Quốc hội. Đây cũng là cơ hội rất lớn để tất cả doanh nghiệp, người dân thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri để Ban soạn thảo tiếp thu và trình Quốc hội trong kỳ họp tới” - PGS-TS Nguyễn Đình Thọ cho biết.

Đặt kỳ vọng cao vào đợt lấy ý kiến nhân dân lần này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định đây là cơ hội cho người dân, doanh nghiệp lên tiếng về những điểm nghẽn, vướng mắc cần xem xét, chỉnh sửa trong Luật Đất đai. Việc tổng hợp ý kiến nhân dân sẽ giúp phê duyệt, ban hành luật sát với các vấn đề thực tế, đặc biệt là những vấn đề vướng mắc trong thời gian qua. Từ đó giúp tháo gỡ những điểm nghẽn, là công cụ giúp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển có chất lượng cao hơn.

Thu hút được nhiều ý kiến của người dân

Thống kê từ Tổ Biên tập dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau hơn 2 tháng cho ý kiến, các vấn đề được đặc biệt quan tâm, nhận được nhiều ý kiến góp ý gồm: Quy định chung; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất...

Bất ngờ với những thành quả đạt được sau hơn 2 tháng lấy ý kiến nhân dân, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân một cách bài bản, khoa học, nhưng đã đạt được những kết quả rất đáng khen ngợi. Sự vào cuộc của nhiều tầng lớp trong xã hội giúp cơ quan quản lý có được cái nhìn tổng thể về những điều luật sẽ ban hành trong thời gian tới. Hy vọng rằng khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ đi vào thực tiễn của đời sống xã hội một cách nhanh nhất, phù hợp mọi tầng lớp dân cư, mọi cơ quan quản lý, doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, Bộ TNMT dự kiến hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27.3.2023; trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1.4.2023; báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5.4.2023.

Trên cơ sở đó, Bộ TNMT sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V, trước ngày 25.4.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn