MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao phát biểu tại buổi làm việc với TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Liêm chính, công tâm khi giải quyết các vụ án

BẢO TRUNG LDO | 31/08/2023 16:16

Đắk Lắk - Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các thẩm phán phải đề cao trách nhiệm, nắm vững pháp luật và phải liêm chính tư pháp, giữ gìn phẩm chất phòng chống tham nhũng tiêu cực trong hệ thống và đặc biệt là trong giải quyết các vụ việc.

Ngày 31.8, Đoàn công tác của Toà án nhân dân tối cao do ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với TAND hai cấp (cấp tỉnh và cấp huyện) tỉnh Đắk Lắk.

Nội dung buổi làm việc liên quan kết quả công tác đầu năm 2023 đến nay, một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, góp ý công tác cải cách tư pháp.

Được biết, từ đầu năm đến nay, số lượng các loại vụ việc mà Tòa án hai cấp tỉnh Đắk Lắk phải thụ lý, giải quyết tăng gần 2% so với năm trước, với tính chất, mức độ ngày càng đa dạng, phức tạp. Bình quân mỗi tháng TAND hai cấp phải giải quyết trên 870 vụ việc, tỉ lệ giải quyết cấp tỉnh đạt hơn 83%, tập trung các loại án dân sự phúc thẩm, hành chính sơ thẩm.

TAND cấp huyện tỉ lệ giải quyết đạt 80%, tập trung các tranh chấp dân sự. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án hai cấp chiếm 0,82%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội và Tòa án Nhân dân tối cao đề ra.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Đắk Lắk là địa phương có đông đồng bào dân tộc cùng chung sống, quy mô dân số ngày càng tăng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Cùng với đó, những tranh chấp về đất đai, khiếu kiện, khiếu nại tiếp tục là những khó khăn thách thức đối với ngành toà án. Vì lẽ đó, mỗi cán bộ công nhân viên chức ngành tòa án phải bản lĩnh, nắm bắt pháp luật, sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ phức tạp, kết quả xét xử tốt, góp phần cải thiện tình hình địa bàn Tây Nguyên.

Trong thời gian tới, đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, tăng cường xét xử để nâng tỉ lệ giải quyết lên. Đặc biệt, cơ quan chức năng phải đảm bảo chất lượng, làm sao cho mỗi bản án là công lý để cho dân tin... Muốn như vậy, các thẩm phán phải đề cao trách nhiệm, nắm vững pháp luật và phải liêm chính tư pháp, giữ gìn phẩm chất phòng chống tham nhũng tiêu cực trong hệ thống và đặc biệt là trong giải quyết các vụ việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn