MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phương tiện đưa đón học sinh hàng ngày trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông

Lo ngại chất lượng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ôtô

NHÓM PV LDO | 25/11/2023 08:30

Ngày 24.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường bộ. Theo ĐBQH, thời gian qua, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ôtô đưa đón học sinh đã phát sinh nhiều bất cập.

Cần quan tâm hơn đến dịch vụ đưa đón học sinh bằng ôtô

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn ĐBQH Trà Vinh) cho biết, dự thảo luật nêu rõ, kinh doanh vận tải bằng xe ôtô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Tuy nhiên dự thảo luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ. Đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù, cần quy định rõ để tạo cơ sở pháp lý cho loại hình kinh doanh này ngay trong dự thảo luật.

Ngoài ra, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh vận tải bằng xe ôtô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn ĐBQH Hải Dương) cho rằng, việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.

Góp ý về hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ôtô, đại biểu Thoa cho rằng, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết.

“Trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh” - đại biểu nêu.

Nữ đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định, hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ôtô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn ĐBQH Nam Định) cho hay, có nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc để quyết định quy định ở một luật hay cả hai luật. Ví dụ như vấn đề về xe đưa đón học sinh, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ đang quy định lái xe cần phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ có quy định đối với người quản lý. Do đó, việc triển khai trong thực tiễn sẽ rất phiền phức, khó khăn.

Cân đối lợi ích người dân - nhà nước khi thu phí cao tốc

Giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện chủ trương của Quốc hội tại các Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ này đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đồng thời xem xét, phân tích đánh giá tác động trong trường hợp phát sinh thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

“Căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, dự thảo luật đã bổ sung quy định này. Mức thu sẽ được xác định theo từng tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc, đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và Nhà nước” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn