MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá vàng tăng cao trong thời gian vừa qua. Ảnh minh họa: VGP

Lo ngại khi người dân ưu tiên tích trữ vàng và USD

NHÓM PV LDO | 29/05/2024 11:13

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, giá vàng và USD tăng cao đã trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều gia đình, cá nhân. Nếu không có giải pháp tốt, không sớm kìm chế sẽ dẫn đến hiện tượng vàng hóa, USD hóa trong các giao dịch mua bán trong xã hội.

Giá dịch vụ hàng không nội địa tăng cao, khó mua

Sáng nay (29.5), Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) băn khoăn nhiều chỉ tiêu quan trọng về KTXH chưa đạt được theo kỳ vọng đặt ra. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích kỹ hơn về những khó khăn, nguyên nhân, dự báo tình hình để có giải pháp sát với thực tiễn về chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra.

Trong những tháng đầu năm, sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao... Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục có các gói hỗ trợ kích cầu, phát triển thị trường trong nước, tăng sức mua góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ tăng cao, nhất là giá vàng, tỉ giá USD, giá dịch vụ hàng không dẫn đến một số tác động tiêu cực.

Theo đó, vàng và USD trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều gia đình, cá nhân. Nếu không có giải pháp tốt, không sớm kìm chế sẽ dẫn đến hiện tượng vàng hóa, USD hóa trong các giao dịch mua bán trong xã hội.

Thêm vào đó, giá dịch vụ hàng không nội địa tăng cao, khó mua. Du lịch nội địa khó cạnh tranh với các tour du lịch của nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành nghiên cứu giải pháp sớm bình ổn giá trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn Bình Định. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) đồng tình với các giải pháp của Chính phủ đưa ra để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu KTXH Quốc hội giao.

Về 3 trụ cột tăng trưởng (Đầu tư - tiêu dùng - xuất khẩu), đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích sâu các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến trụ cột đầu tư chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc giải ngân đầu tư công tại các địa phương, bộ, ngành; chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ phân tích đánh giá kỹ lưỡng hơn về tiến độ thi công các dự án trọng điểm quốc gia; việc huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ kênh trái phiếu Chính phủ.

Trụ sở làm việc, nhà ở công vụ để lãng phí

Quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cho biết, công tác xây dựng ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2023 còn chậm, chưa đảm bảo theo thời gian quy định.

Đại biểu cũng nêu thực tế tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ tại một số địa phương để lãng phí; cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập còn chậm.

Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế.

Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra; đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra… còn 404/908 dự án, công trình chưa được xử lý.

Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế cao, có xu hướng tăng so với năm 2022.

Trên cơ sở các hạn chế nêu trên, đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, từng nhiệm vụ cụ thể để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và các hạn chế nêu trên sẽ không là lực cản cho sự phát triển KTXH trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn