MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phạm Đông

Loại bỏ tư tưởng văn hóa là ngành vô thưởng vô phạt để bố trí đúng cán bộ

PHẠM ĐÔNG LDO | 25/01/2023 11:09

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Mấu chốt cần làm hiện nay là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo động lực, khơi thông nguồn lực, tăng dư địa cho văn hóa phát triển...

Những năm gần đây, một vấn đề được nước ta đặc biệt quan tâm là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước.

Trong mỗi thời kỳ, văn hóa được xác định là một trong những yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì thế, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam hiện nay.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, văn hóa tạo nên ứng xử cộng đồng, phản ứng cộng hưởng tập thể trước một hiện tượng hoặc sự việc nào đó. Văn hóa chứa đựng cả những sở trường và sở đoản của một cộng đồng nên khó có thể đạt được kỳ vọng là phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực.

Bà Nga cho rằng, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của ngành văn hóa nói chung và cán bộ làm văn hóa nói riêng. Đây là lĩnh vực rất quan trọng liên quan tới đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm… của toàn thể người dân, tạo ra động lực của sự phát triển cho xã hội.

Đặc biệt, sự phát triển của ngành văn hóa có liên quan và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế cũng như giữ cho xã hội ổn định. Từ đó góp phần xây dựng đời sống tinh thần của người dân phong phú, vui vẻ, hạnh phúc. Cần có các chính sách thu hút nhân tài vào làm việc trong ngành văn hóa, tránh tình trạng “chảy máu chất xám" ngành văn hóa từ khối công sang tư nhân.

"Cần loại bỏ tâm lý, tư tưởng văn hóa là ngành “vô thưởng vô phạt”, ai làm cũng được mà cần bố trí cán bộ phụ trách văn hóa có đúng chuyên môn, có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt" - bà Nga nêu rõ. 

Theo bà Nga, sự hiện diện của văn hóa trong các bình diện của đời sống xã hội đã tạo thành sức mạnh nội sinh, vừa là nguồn lực, vừa là thành quả của phát triển. Hơn 2 năm qua, khi dịch COVID-19 xuất hiện đã khơi dậy được truyền thống yêu nước, ý thức đại đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân," “lá lành đùm lá rách," “lá rách ít đùm lá rách nhiều," cả nước chung tay, chia sẻ gian khó.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Phạm Thắng

Còn ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn Lạng Sơn quan tâm đến luận điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đây là quan điểm thể hiện tính cách mạng, bởi nước ta phát triển kinh tế thị trường, nhưng là kinh tế thị trường định hướng XHCN thể hiện tính văn hóa của phát triển.

Theo đại biểu Nghĩa, nước ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.

Ở đó, văn hóa phải đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác trong quá trình phát triển phải được thể hiện trong mỗi bước tiến của sản xuất, kinh doanh; phát triển kinh tế - xã hội phải đồng thời là bước tiến của phát triển văn hóa, hướng tới con người.

Ông Nghĩa một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Do vậy, hàm lượng văn hóa trong đời sống con người cao bao nhiêu thì tính nhân văn, khả năng phát triển kinh tế - xã hội càng trở nên phát triển bấy nhiêu.

Việc phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đất nước phát triển bền vững, thịnh phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn