MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước. Ảnh: H.L

Loạt cơ chế mở tháo gỡ khó khăn để Đà Nẵng phát triển

Hữu Long - Cát Tường LDO | 30/03/2021 10:21
Ngày 29.3, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức lễ công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP.Đà Nẵng.

Tận dụng cơ hội để phát triển

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định, với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung vừa được phê duyệt, thành phố sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị cũng như đưa ra các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồ án đã định hình về quy hoạch sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kinh tế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ, trong không khí chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29.3.1975-29.3.2021), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đà Nẵng vui mừng nhận các quyết sách mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với TP.Đà Nẵng.

Theo ông Quảng, bên cạnh niềm vui, sự phấn khởi này, Đà Nẵng cũng cần thấy rõ trách nhiệm trong việc triển khai để thực hiện hiệu quả các quyết sách trong thực tế với những biện pháp, cách làm cụ thể, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, với sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Quá trình triển khai thực hiện, chính quyền Đà Nẵng cần chủ động lường trước các khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Để Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế khu vực

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, theo Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã xác định, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics… Để đạt được những mục tiêu này, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030 - tầm nhìn 2045 đã được được lập, phản biện và thẩm định một cách kỹ lưỡng, công phu, khoa học và toàn diện. Đồ án điều chỉnh quy hoạch đã xác định thực hiện mô hình phát triển đô thị theo xu hướng của thế giới là đô thị đa cực, với một số khu vực nén tại khu vực trung tâm và đầu mối giao thông, xen kẽ với các khu vực “rỗng” dành không gian xanh, bảo tồn rừng sinh thái tự nhiên.

Muốn Đà Nẵng có điều kiện thực hiện được mục tiêu chiến lược này, bởi cùng với việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng.

“Đây là bước đi quan trọng trong việc thực hiện các định hướng phát triển Đà Nẵng, với mục tiêu tăng cường kết nối vùng, liên vùng, và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển thông thương hàng hóa của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng miền Trung và Tây Nguyên” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Để thực hiện những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cần nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và và bền vững. Thành phố Đà Nẵng cũng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng theo giai đoạn 5 năm, 10 năm và hằng năm.

Trong đó, xác định rõ cơ cấu nguồn lực; tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng những khu đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tiềm lực quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% đối với nhiều loại đất làm dịch vụ và sản xuất

Sáng 29.3, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố và nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng TP.Đà Nẵng (29.3.1975 - 29.3.2021).

Dịp này, chính quyền Đà Nẵng cũng đã công bố nhiều chính sách đãi ngộ, ưu tiên cho đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, thông tin được các nhà đầu tư, người dân mong đợi là chủ trương điều chỉnh giảm giá đất. Theo đó, Đà Nẵng sẽ điều chỉnh giảm đến 10% giá đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh (TMDV và SXKD) so với giá đất ở cùng vị trí. Như vậy, giá đất TMDV ở Đà Nẵng sẽ được điều chỉnh từ 80%, giảm thành 70% và giá đất SXKD được điều chỉnh từ 60% thành 50%. Giá đất ở không có sự điều chỉnh nào.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn ban hành quyết định điều chỉnh giảm hệ số (sinh lợi) đất tại 109 vị trí, tuyến đường. Giảm từ 1%-2% đơn giá đối với giá thuê đất trả tiền hàng năm trên địa bàn TP. Đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng được điều chỉnh giảm từ 0,7% xuống 0,5%...

Như vậy, việc điều chỉnh giảm giá đến 10% đối với nhiều loại đất lần này có thể chưa tác động lớn đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đây là quyết định rất đúng đắn, phù hợp với thực tế. Nhất là trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng nặng nề về tình hình COVID-19. Đà Nẵng và các thành phố phát triển mạnh dịch vụ du lịch đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Các doanh nghiệp kinh doanh ngành du lịch dịch vụ, nhà hàng, khách sạn giảm mạnh doanh thu. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản, trong khi vẫn phải nộp tiền thuê đất theo quy định. Vì vậy, việc giảm giá đất trên đã hỗ trợ kịp thời, giúp các doanh nghiệp có điều kiện sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.

Được biết, nguồn lực đất đai đón làn sóng đầu tư thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025 là không còn cao. Thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP, hiện Đà Nẵng còn trên 320 khu đất lớn đã có mặt bằng với tổng diện tích đất hơn 2 triệu m2. Và Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất để kêu gọi đầu tư gian đoạn 2021-2025.An Thượng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn