MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8.2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Loạt đột phá cải cách thể chế và hoàn thiện pháp luật năm 2023

Vân Trường LDO | 21/09/2023 06:20

Một khối lượng lớn công việc liên quan đến thể chế, hoàn thiện pháp luật được Chính phủ xem xét, cho ý kiến và quyết sách thời gian qua góp phần tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Khơi thông nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững

Ngày 20.9, tại Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 tháng 9.2023.

Báo cáo cho thấy, công tác triển khai Đề án 06 trong tháng 8 đạt nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý, thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, đến nay các bộ, ngành thực hiện đơn giản hóa đối với 375/1.086 thủ tục hành chính (đạt tỉ lệ 34,5%, tăng 24 thủ tục so với tháng 8.2023).

Trong khi đó về hoạt động xây dựng pháp luật, các thống kê cho thấy chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, Chính phủ tổ chức 7 phiên họp chuyên đề, cho ý kiến đối với 34 nội dung. Trong đó có 11 đề nghị xây dựng luật; 14 dự án luật; đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình 2023; dự thảo nghị quyết và các nội dung khác.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến, quyết sách đối với một khối lượng lớn công việc liên quan đến thể chế.

Điều này đã cho thấy quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ trong triển khai đột phá chiến lược về thể chế. Nhờ đó, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà. Ảnh: Quốc hội

"Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững; xử lý những vấn đề đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua; bổ sung, hoàn thiện, tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới đặt ra" - ông Phạm Văn Hoà đánh giá.

Quyết nghị nhiều nội dung liên quan các dự án Luật lớn

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, trong các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Chính phủ đã cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, cấp bách… để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

"Tại các cuộc họp chuyên đề về pháp luật trong 8 tháng đầu năm, Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung liên quan đến các dự án Luật lớn, nội dung khó, có phạm vi điều chỉnh rộng và tác động lớn đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Căn cước, Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ...", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lấy ví dụ Nghị quyết cuộc họp chuyên đề tháng 8 vừa qua, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước; khắc phục những bất cập, khó khăn trong triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Anh Huy

“Các cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật đã góp phần tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, tăng cường thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo động lực, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều ngành, lĩnh vực”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

Lấy người dân làm trung tâm trong quá trình xây dựng luật

PGS.TS Bùi Thị An - ĐBQH khoá XIII nhìn nhận, Chính phủ nhiệm kỳ này rất quan tâm đến việc xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế.

Bà An dẫn chứng, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 19 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; trình Quốc hội thông qua 35 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ đã ban hành hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật.

“2 vấn đề quan trọng quyết định sự phát triển của đất nước là thể chế và con người thì Chính phủ đều rất quan tâm” - PGS.TS Bùi Thị An nói.

Như Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4, Chính phủ đã quyết nghị về các nội dung các nội dung về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Bà Bùi Thị An, ĐBQH khoá XIII. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đồng thời, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch sử dụng đất, phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách về đất đai.

Bà An đánh giá, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, liên quan đến cuộc sống của toàn bộ người dân. Việc Chính phủ chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong quá trình hoàn thiện, dự thảo luật đã thể hiện được tinh thần “lấy người dân làm trung tâm trong việc xây dựng luật”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn