MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rất ít phương tiện trên cầu vượt vào ga quốc tế, quốc nội trong khi dưới cầu phương tiện ùn tắc. Ảnh: M.QUÂN

Lối vào Tân Sơn Nhất vẫn kẹt cứng

MINH QUÂN - HUYỀN TRÂN LDO | 22/07/2017 06:48
Thực tế từ vụ kẹt xe kéo dài gần 5 giờ đồng hồ ngày 20.7 cho thấy, chỉ với cầu vượt hiện nay không thể “giải cứu” được nạn kẹt xe quanh sân bay Tân Sơn Nhất, bởi thiếu sự kết nối đồng bộ với các dự án khác. Trong khi đó, hàng loạt dự án giao thông khác kết nối bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất lại cũng đang bị... tắc, cần “giải cứu”.

Có cầu vượt, nhưng chưa kết nối đồng bộ

Từ đầu tháng 7.2017, TPHCM đã đưa vào khai thác cầu vượt Trường Sơn (hướng vào ga quốc tế và ga trong nước) và một nhánh cầu Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn thuộc dự án cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn. Tuy nhiên trái với kỳ vọng, tình hình giao thông cũng không mấy sáng sủa, ùn tắc vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điển hình như ngày 20.7, một vụ va chạm nhỏ giữa xe buýt và một xe ôtô trên đường Hoàng Văn Thụ dẫn đến kẹt xe dây chuyền trên hàng loạt trục đường dẫn vào sân bay kéo dài gần 5 giờ đồng hồ.

Điều này cũng cho thấy, để giải quyết vấn nạn kẹt xe quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, nhất thiết cần phải triển khai đồng bộ cùng lúc nhiều dự giao thông kết nối, chứ chỉ riêng cầu vượt thôi chưa đủ. Thực tế để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông bên ngoài khu vực sân bay, TPHCM có đến cả chục dự án (đã phê duyệt hoặc đang nghiên cứu) như xây dựng cầu vượt, hầm chui, mở rộng đường, metro... Tuy nhiên đến nay, ngoài 2 dự án mới hoàn thành đầu tháng 7 như trên, còn 3 dự án đang triển khai dang dở (cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn; nút giao ngã sáu Gò Vấp, hầm chui An Sương) và nhiều dự án khác chưa thể khởi công do đang nghiên cứu hoặc vướng các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc vướng đất quốc phòng.

Theo ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, trước mắt, nếu có mặt bằng sẽ mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Minh Giám, Cộng Hòa, Trường Chinh, Tân Quỳ Tân Quý,… Ngoài ra, hiện một số khu đất thuộc khu vực sân bay do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, chậm bàn giao để TPHCM thực hiện các dự án. Cụ thể là các khu đất quy hoạch đường Tân Sơn, dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa tạo thành đường song hành Cộng Hòa. “Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 3 công trình như thông nhánh N1 hầm chui An Sương từ đường Trường Chinh qua quốc lộ 22; nhánh Phạm Ngũ Lão qua Nguyễn Oanh của cầu vượt ngã sáu Gò Vấp; hai nhánh còn lại của cầu vượt Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm giúp kéo giảm ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất” - ông Cường nói.

Cấp thiết mở thêm cổng cho Tân Sơn Nhất

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ có một lối ra vào duy nhất trên đường Trường Sơn nên lượng xe cộ ra vào đông nghẹt, thường xuyên xảy ra kẹt xe. Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, mỗi ngày có hơn 30.000 lượt xe ra vào sân bay Tân Sơn Nhất gồm khoảng 22.000 lượt ôtô, 7.000 lượt xe máy, chưa kể lượng xe của hơn 10.000 nhân viên làm việc tại đây. Ông Bùi Xuân Cường cho biết, để giảm kẹt xe khu vực ra vào cổng sân bay, Sở GTVT đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu nhiều giải pháp mở thêm cổng ở đường Thống Nhất (quận Gò Vấp), hoặc một số vị trí khác ở phía quận Tân Bình.

Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc mở thêm hướng kết nối cho sân bay Tân Sơn Nhất là không cần bàn cãi bởi vấn đề này thực sự cần thiết và nên nghiên cứu triển khai nhanh. “Hàng chục năm nay, việc kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất với đô thị xung quanh chỉ duy nhất đường Trường Sơn và chỉ phù hợp cho giai đoạn trước đây. Vì vậy, việc cần thiết trước mắt là phải xây dựng các tuyến đường vành đai sân bay, kết nối nhiều phía” - ông Sơn nhìn nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn