MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Luật Kinh doanh bất động sản còn ý kiến khác nhau, cần tiếp tục rà soát

PHẠM ĐÔNG LDO | 14/04/2023 19:51

Sau 2,5 ngày làm việc, chiều 14.4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp chuyên đề pháp luật, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. 

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến 3 dự án luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2023 gồm dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Cả 3 dự án luật đến nay đều đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, đối với mỗi một dự án luật còn một số vấn đề lớn hoặc một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ để tổ chức hoàn thiện hồ sơ dự án trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) còn một số ý kiến khác nhau cần tiếp tục rà soát, bám sát các chính sách, các quan điểm lớn.

Về dự án Luật Căn cước công dân, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tên gọi dự án luật, nghiên cứu cách thức xử lý cần có bàn bạc thống nhất với Chính phủ, trường hợp chưa thống nhất có thể trình thảo luận mở.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét hai trong một đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, theo đó, vừa xem xét để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và cho ý kiến về nội dung. Nếu như Quốc hội đồng ý sẽ tổ chức thảo luận lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 này. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung lớn cần phải điều chỉnh như tính chất, địa vị pháp lý của lực lượng này và cần thuyết minh làm rõ thêm về một số các vấn đề.

Đối với hai dự án là Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình với Quốc hội xem xét để quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối với 3 dự án luật gồm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đều là những dự án đã được trình Quốc hội một lần và không được thông qua.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm chủ trương bổ sung 3 dự án luật này phải báo cáo cấp có thẩm quyền. Vì vậy, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ chín, đủ rõ mới trình.

Về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình thông qua theo một thể thức rút gọn, cho ý kiến và quyết định tại một kỳ họp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đối với dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục lưu ý các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu kĩ lưỡng nhằm tạo sự thống nhất.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đến nay dự án Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa có tài liệu; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng chưa được thẩm tra chính thức.

Ngoài ra, việc tổng kết công tác lấy ý kiến người dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần bố trí thời gian để nghe báo cáo một cách kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tài chính nhà nước 2021, Nghị quyết về cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hội,… là những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để báo cáo với Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đôn đốc các cơ quan của Chính phủ, cơ quan hữu quan để hoàn thiện hồ sơ tài liệu sớm trình theo đúng tiến độ. Trường hợp trình chậm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ kiên quyết gạt ra khỏi chương trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn