MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày quan điểm. Ảnh: QH

Luật nào cần sửa sau khi thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt?

Đức Thành - Xuân Hải LDO | 10/11/2017 17:46

Chiều nay, 10.11, các đại biểu thảo luận tổ về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng "sau khi thông qua luật này có thể phải sửa đổi một số luật hiện nay".

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói:

Cơ cấu tổ chức đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trên thế giới người ta có rất nhiều mô hình, ví dụ như Hồng Kông là đặc khu hành chính, Thâm Quyến là đặc khu kinh tế, còn ta ở đây là đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, tức là ghép cả hành chính lẫn kinh tế.

Do vậy, sự đặc biệt ở đây là nó phải khác so với các luật quy định, nên lần này dự thảo luật xây dựng trên cơ sở không được trái Hiến pháp. Có thể sau khi thông qua luật này có thể phải sửa đổi một số luật hiện nay không phù hợp với đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Thí dụ Luật Chính quyền địa phương phải sửa Điều 75 – tổ chức chính quyền địa phương. Bởi vì chính quyền địa phương phải có HĐND và UBND, còn đơn vị này nó không phải là một cấp chính quyền địa phương, nó là một đơn vị hành chính của địa phương và không có HĐND, thì phải sửa đổi điều 75 của Luật chính quyền địa phương.

Bộ máy ở đây đưa ra hai phương án, cơ quan soạn thảo trình chúng ta lựa chọn phương án 1, tức là chúng ta lựa chọn bộ máy của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mang tính đặc thù tức là không tổ chức HĐND và UBND. Thể chế của nó là thông qua Trưởng đặc khu.

Thiết kế bộ máy, Trưởng đặc khu có rất nhiều quyền, trong đó tới 4 cấp của Trung ương bao gồm Chính phủ và các bộ ngành, ở địa phương là HĐND và UBND, rồi thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã. Nên vấn đề đẩy mạnh phân cấp cho trưởng đặc khu có quyền rất rộng… Nếu chúng ta không kiểm soát, có chế tài giám sát dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền rất lớn đối với Trưởng đặc khu.

Tổ chức phía dưới của Trưởng đặc khu không phải là cấp hành chính nữa, mà đối với các khu hành chính là cánh tay nối dài, các cơ quan chuyên môn dự kiến không quá 9 cơ quan.

Về chính sách ưu đãi khác, đây là khu hành chính – kinh tế đặc biệt thì tất nhiên phải có những chính sách ưu đãi vượt trội khu kinh tế khác để thu hút các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ Trưởng Bộ KHĐT thì trong cả 3 khu này chủ yếu là cung ứng dịch vụ kinh doanh thương mại, trong đó có casino. Tôi nghĩ casino là loại hình kinh doanh đặc biệt. Còn nếu không có casino mà đầu tư loại hình kinh doanh sản xuất khác thì không có gì đặc biệt. Các đặc khu kinh tế tranh thủ các loại hình này.

Nếu vậy, cần có một số quy định pháp luật kèm theo, như việc tổ chức casino thì người Việt được vào không, kinh doanh thế nào, đó là cả là một vấn đề...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn