MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên)

Lương giáo viên hợp đồng từ 2,5 - 3,5 triệu/tháng có thể yêu nghề?

Xuân Hùng - Thành Trung LDO | 15/11/2018 17:07

Lương thấp, cơ hội tìm việc khi ra trường còn bấp bênh, nhiều giáo viên đeo đẳng theo nghề hàng chục năm không được vào biên chế… là nỗi niềm của ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) và một số đại biểu tại buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 15.11.

Câu chuyện thu nhập của giáo viên là câu chuyện dài đã được đề cập lâu nay. Trong nghị trường Quốc hội, hầu như không kỳ họp nào là không đề cập về việc này.

 ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên): Nhiều giáo viên không thể sống chân chính được bằng nghề.

Trong phiên thảo luận sáng nay (15.11), đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nói: “Xét về mặt bằng chung, thậm chí ưu đãi cho giáo dục hiện nay còn bị cắt giảm hơn so với trước đây. Phải nhìn nhận một thực tế là đời sống thu nhập của giáo viên hiện nay là thấp".

Đại biểu Phúc phân tích cụ thể: Giáo viên nhiều bộ môn, nhiều cấp học không thể sống chân chính được bằng nghề. Thậm chí với giáo viên trong diện hợp đồng ngắn hạn được trả ở mức hệ số 1,85 nhân mức lương cơ bản. Cấp trung học cơ sở hệ số 2,1 nhân mức lương cơ bản. Quan trọng là không được đóng bảo hiểm, không có các nguồn phụ cấp khác. Có nghĩa giáo viên mới vào nghề hay diện hợp đồng ngắn hạn thì thu nhập chính dao động từ 2 triệu 558 nghìn đến 3 triệu 500 nghìn/tháng mà không có khoản thu phụ cấp nào khác.

Từ thực tế trên, đại biểu Phúc đau đáu: “Với mức thu nhập như vậy lại không có sự ưu đãi, không có khoản thu nhập khác, liệu rằng họ có thể sống được bằng nghề hay không? Có thể dành tâm huyết cả cuộc đời cho nghề hay không khi cuộc sống luôn luôn canh cánh mối lo cơm áo, gạo tiền". 

Đồng tình với nhiều đại biểu khác khi cho rằng, yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới, cải cách giáo dục chính là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Họ là đối tượng chịu sự tác động và cũng khiến cho Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn loay hoay với bài toán thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm mà chưa nhìn thẳng vào nhu cầu thiết thực nhất là họ ra trường được đảm bảo việc làm, có điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ tốt, chính là đáp án của bài toán này.

Từ thực tế trên, đại biểu “tha thiết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại vấn đề này và đề nghị Ban soạn thảo luật hóa những quy định liên quan đến chế độ đãi ngộ, ưu đãi đối với nhà giáo được quy định tại Điều 76 trong luật”.

 ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam): Sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp còn rất nhiều.

Nhiều đại biểu còn đề nghị ưu tiên bố trí việc làm cho những người học sư phạm ra trường. ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) "thấy sinh viên các ngành sư phạm ra trường thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phải làm trái ngành, trái nghề còn rất lớn" nên "đề nghị quy định chỉ sử dụng giáo viên tốt nghiệp sư phạm chính quy vào giảng dạy, không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp đại học ngành khác sau đó bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm". 

Nhiều đại biểu khác cũng thống nhất nên bỏ quy định tuyển người ngành khác, chỉ cần có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vào làm giáo viên vì vừa khó đảm bảo được chất lượng, bởi nghề giáo không chỉ cần kiến thức mà còn là "kỹ sư tâm hồn", cần có phương pháp, nghiệp vụ sư phạm được đào tạo bài bản, chuyên sâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn