MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng tham gia giải trình. Ảnh: QH

Lương giáo viên mầm non, phổ thông thấp, mới đi làm chỉ hơn 3 triệu/tháng

Vương Trần LDO | 25/02/2022 12:57

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, chúng ta đang thực hiện Nghị định 204 năm 2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nên không chỉ ngành giáo dục mà nhiều ngành cũng còn bất cập.

Giải quyết tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu giáo viên”

Sáng nay (25.2), Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non phổ thông.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tính đến thời điểm hiện nay, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục thừa 10.178 giáo viên, thiếu 94.714 giáo viên (trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non).

Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán..., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật....

Tại phiên giải trình, Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đặt các câu hỏi liên quan tới tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu giáo viên” trong ngành giáo dục hiện nay và các giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này.

Toàn cảnh phiên giải trình. Ảnh: Thái Bình

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc thực thi các giải pháp tổng thể để lâu dài và bền vững “không thừa, thiếu giáo viên” thì không chỉ phụ thuộc nội bộ ngành giáo dục mà còn liên quan các chính sách quốc gia, phương diện tài chính và giải pháp của các địa phương. 

“Hiện chúng ta đang thiếu giáo viên nhưng đồng thời vẫn phải giảm 10% theo lộ trình. Trong khi mấy năm mới có một đợt tuyển mà tuyển không đủ, học sinh thì tăng theo cơ giới gần nửa triệu người/năm” - ông Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nêu nhiều giải pháp như điều động giữa các trường, các địa phương; đào tạo, bồi dưỡng lại; nâng chuẩn trình độ… Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tự chủ cơ sở giáo dục công lập ở những nơi có điều kiện để dành biên chế cho vùng khó khăn. Trong đó, việc dự báo nhu cầu, đào tạo giáo viên để bảo đảm nhu cầu thực tiễn của từng địa phương rất quan trọng.

Trao đổi thêm nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, việc tinh giản biên chế không thực hiện theo kiểu cào bằng, cơ học mà tùy tình hình, đặc điểm từng địa phương và việc quản lý công chức, viên chức. 

Để giải quyết tình trạng vừa thừa và thiếu giáo viên hiện nay, bà Trà cho biết, trong năm học 2021-2022, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GDĐT trình Chính phủ bổ sung 27.850 giáo viên; ưu tiên cho bậc học mầm non hoặc các địa bàn tăng đột biến học sinh đến trường.

Tiền lương không chỉ ngành giáo dục mà nhiều ngành cũng còn bất cập

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (TP.Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về mức lương giáo viên mầm non, phổ thông còn thấp, đặc biệt giáo viên mới đi làm hệ số 2,1, tức chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. 

"Lương như vậy có thể là động lực để họ yên tâm sống được với nghề? Cử tri ngành giáo dục băn khoăn, khi thay đổi chính sách tiền lương thì giáo viên không còn phụ cấp thâm niên đứng lớp, liệu lương có được nâng lên đảm bảo theo Nghị quyết 29?", đại biểu chất vấn.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, về mặt bằng lương viên chức giáo dục là cao hơn, nhưng do yếu tố đặc thù hoạt động nghề nghiệp bằng trí óc, yêu cầu trong đào tạo nguồn nhân lực, "giáo dục là quốc sách hàng đầu" thì còn bất cập. 

"Vì chúng ta đang thực hiện Nghị định 204 năm 2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nên không chỉ ngành giáo dục mà nhiều ngành cũng còn bất cập” - bà Trà lý giải.

Theo bà Trà, Nghị quyết 27-NQ/TW mở ra chính sách cải cách tiền lương rất tốt, nhưng do tác động của dịch COVID-19, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước khó khăn nên chúng ta đang lùi thời điểm thực hiện.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ sớm nghiên cứu, đề xuất, giải quyết trước mắt các chế độ phụ cấp của giáo viên mầm non phù hợp lộ trình sao cho đến khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW thì thang bảng lương của giáo viên mầm non theo vị trí, việc làm cũng không có sai lệch, khoảng cách quá xa so với mức trần lương và phụ cấp theo tinh thần của nghị quyết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn