MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Lý do cần lập Quỹ Phòng thủ dân sự để ứng phó thảm họa, sự cố

PHẠM ĐÔNG LDO | 14/02/2023 18:36

Theo phương án giữ nguyên như dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Quỹ Phòng thủ dân sự được sử dụng khi nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời trong lúc xảy ra sự cố, thảm họa.

Tiếp tục phiên họp thứ 20, chiều 14.2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến tán thành với dự thảo để chủ động trong nguồn lực ứng phó.

Theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự hay hợp nhất các quỹ, vì dễ trùng lắp nguồn thu, khó vận động đóng góp, chồng chéo với các quỹ đã có trong luật chuyên ngành, bảo đảm từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định việc thành lập quỹ, còn các nội dung khác giao cấp có thẩm quyền quy định chi tiết.

Ông Lê Tấn Tới trình bày báo cáo. Ảnh: Phạm Thắng

Ông Lê Tấn Tới cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, còn có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình. Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định này.

Cơ quan soạn thảo tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị giữ như quy định của dự thảo Chính phủ trình, có chỉnh lý một số nội dung. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự mà thiết kế phương án linh hoạt hơn về việc hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết.

Phương án 1 là giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình.

Phương án 2 sửa điểm b khoản 2 Điều 43 (Tài chính, lực lượng, phương tiện, dự trữ cho Phòng thủ dân sự) thành: “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố”.

“Việc chỉnh sửa này xuất phát từ kinh nghiệm của việc thành lập Quỹ vaccine thời gian qua, thể hiện sự linh hoạt trong huy động kịp thời nguồn lực cho các tình huống đặc biệt cấp bách” - Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nói.

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan nhiều lĩnh vực và khi xảy ra thảm họa sự cố gây ảnh hưởng rất lớn nên Chính phủ đề xuất phương án 1 để có nguồn lực trong tay nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết ban đầu. Trong quá trình xử lý thảm họa sự cố vẫn tiếp tục huy động tiếp các nguồn lực.

“Do đó nên tích hợp thêm một số ý của phương án 2 vào phương án 1 để linh hoạt thực hiện. Như thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ mà nếu không có nguồn lực lớn ngay lúc đầu thì khó đáp ứng, còn viện trợ của các quốc gia cần có thời gian. Nên có quỹ ngay lúc đầu để có nguồn lực, còn sử dụng thế nào phải có quy chế minh bạch” – Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói: “Việc quỹ có trước hay có sau thì tiếp tục xin ý kiến, tinh thần là thành lập nhưng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và sử dụng có hiệu quả”.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu xây dựng luật. Sớm hoàn thiện dự thảo, báo cáo giải trình tiếp thu, chuẩn bị các phương án đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn