MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)

Mâm cơm ngày giỗ Bác

NHẬT HỒ LDO | 02/09/2019 14:45
Năm nào cũng vậy, hễ đến ngày Bác đã đi xa, người dân xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đều làm mâm cơm giỗ Bác tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã.  Ngày giỗ Bác từ lâu đã trở thành ngày giỗ chung của cả xã Châu Thới.

 Đền thờ Bác đầu tiên ở Miền Nam

Ông Lê Văn Nghĩa, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi  từ năm 2014 cho đến nay hễ đến ngày giỗ Bác cùng với anh em trong Hội cựu chiến binh xã tổ chức thắp hương Bác.

Ông Khưu Tam Phước, 73 tuổi, không nhớ từ năm nào mà người dân xã Châu Thới đã có thành thông lệ, hễ đến ngày giỗ Bác thì đồng loạt thắp hương, tổ chức mân cơm cúng Bác. Ông Phước nhận định: “Chúng tôi xem Bác là cha, ông trong gia đình. Khi người thân mất đi thì thờ cúng. Chúng tôi làm việc này đã lâu nay rồi”.

Ông Ba Phước nhớ lại, vào năm 2005, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Châu Thới. Được nghe người dân địa phương thuật lại quá trình lập nơi phụng thờ Bác ngay trước mặt quân thù, Tổng Bí thư hết sức ngạc nhiên vì biết đây là Đền thờ Bác Hồ đầu tiên ở miền Nam ngay sau khi Bác mất. Cảm kích tấm lòng đó, Tổng Bí thư đã yêu cầu sắp xếp đưa những người tham gia xây cất Đền thờ Bác trong kháng chiến chống Mỹ ra viếng lăng Bác, thăm Hà Nội, và quê hương Bác ở Nghệ An.

Trở thành phong tục của địa phương

Việc thờ cúng Bác Hồ đã trở thành một phong tục của xã Châu Thới. Để tưởng nhớ, ghi ơn lãnh tụ vĩ đại, nhiều gia đình nơi đây làm mâm cơm cúng Bác, như gia đình ông Ba Vĩ (ấp Giồng Bướm A), hay gia đình bà Lê Thị Đầm (83 tuổi, ngụ ấp Bàu Sen, nguyên Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hồng Dân)… Họ đều là những người từng cầm súng vào sinh ra tử để chống giặc ngoại xâm. Riêng gia đình bà Lê Thị Đầm thờ cúng Bác từ tháng 9.1969 cho đến nay.

Gia đình bà Lê Thị Đầm, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu thờ cúng Bác Hồ sau khi nghe tin Bác mất cho đến nay (ảnh Nhật Hồ)

Theo bà Lê Thị Đầm, khi hay tin Bác mất, mẹ chồng bà là cụ Phan Thị Trà (lúc ấy là Tổ trưởng tổ đảng, Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ ấp) là người lập bàn thờ Bác bằng chiếc ghế nhổ mạ, đặt cao ngang gian thờ gia tiên. Cụ Trà căn dặn con cháu: “Bác Hồ suốt đời vì dân, lo cho nước, nên phải coi Bác như tổ tiên của mình mà thờ phụng tử tế”.

Ngày giỗ Bác, tất cả con cháu xa gần đều có mặt, và mâm cơm cúng Người thời chiến tranh chỉ đơn sơ món rau luộc, chén mắm chưng.

Suốt từ đó đến nay đã nửa thế kỷ, việc thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp diễn ở gia đình giàu truyền thống cách mạng này. Lư hương thờ Bác được đặt chính giữa, hai bên là 2 lư hương của người thân trong nhà bà Đầm, phía trên có treo di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tranh sơn dầu do Trường huấn luyện Quân khu 9 tặng cho chồng bà Đầm.

Các cựu chiến binh xã Châu Thới dành cả cuộc đời gắn bó với quân đội, đến khi nghỉ hưu vẫn phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ và ai cũng đều có tình cảm thiêng liêng dành cho Bác. Mâm cơm đơn sơ, đa phần là sản vật địa phương, dâng lên Người trong ngày giỗ đã nói lên phần nào tình cảm đó và phù hợp với lối sống thanh cao, giản dị, không một chút tư lợi của Người lúc sinh thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn