MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Media Quốc hội

Mạng xã hội phải thoả thuận với cơ quan báo chí khi sử dụng bài viết

Cường Ngô - Phạm Đông LDO | 08/11/2023 10:25

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bộ sẽ đưa vào quy định các mạng xã hội, khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải có thoả thuận với cơ quan báo chí.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) sáng 8.11, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho biết, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế đặt hàng đang gặp khó khăn do định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là với phát thanh, truyền hình theo Thông tư 03 và Thông tư 09 của Bộ TTTT đang gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan báo chí.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ TTTT phải giải quyết vấn đề này trong quý III/2023 nhưng đến nay, việc này vẫn chưa thực hiện được.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ TTTT khi nào hoàn thành sửa toàn diện các quy định điều chỉnh định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với các cơ quan báo chí theo chỉ đạo của Thủ tướng và về lâu dài cần những chính sách đột phá gì để các cơ quan báo chí làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, trước đây, 100% nguồn thu của báo chí dựa vào quảng cáo. Đến nay, mạng xã hội tham gia đã lấy mất 70% nguồn thu của báo chí từ quảng cáo, chỉ còn 30%. Lúc đó, các cơ quan báo chí mới thấy vấn đề đặt hàng là quan trọng.

Khi bắt tay vào việc đặt hàng có liên quan đến 3 thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật mà Bộ TTTT đã ban hành trước đây. “Chúng tôi đã nhận ra vấn đề này, cũng nhận trách nhiệm về việc này, đã ban hành thông tư đưa vào thực tế nhưng khó thực hiện. Bộ sẽ sửa 3 thông tư này, ban hành hướng dẫn để các cơ quan báo chí chủ động thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật. Đến quý I/2024 sẽ sửa xong 3 thông tư này.

Ngoài ra, cũng phải phối hợp với Bộ Tài chính để sửa Nghị định 60 liên quan đến việc ban hành giá cụ thể theo hướng giảm các thủ tục hành chính” - bộ trưởng nói.

Về giải pháp lâu dài, căn cơ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của báo chí, thay vì chỉ dựa trên quảng cáo, thêm phần đặt hàng của các cơ quan chủ quản, của xã hội.

“Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, cho nên cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm để báo chí hoạt động. Đồng thời, phát triển các sản phẩm báo chí chất lượng cao, phân tích sâu, có thu phí - đây cũng là một xu hướng trên thế giới.

Bên cạnh đó, hiện mạng xã hội chiếm đến 70% nguồn thu quảng cáo, nhưng sử dụng khá nhiều các sản phẩm báo chí, vi phạm bản quyền báo chí. Cho nên khi sửa đổi thể chế sắp tới, bộ sẽ đưa vào quy định các mạng xã hội, khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải có thoả thuận với cơ quan báo chí” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Media Quốc hội

Tỉ lệ thông tin xấu độc giảm mạnh

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc tháo gỡ các thông tin sai sự thật, Bộ trưởng Bộ TTTT cho hay, năm 2018, tỉ lệ các thông tin xấu độc về các lãnh đạo chủ chốt có những lúc chiếm tỉ lệ 70%, nhưng đến giờ tỉ lệ rất thấp, chỉ khoảng 1%.

Về giải pháp, bộ trưởng cho rằng, xét dưới góc độ pháp luật sẽ quy định các mạng xã hội phải rà soát, quét các thông tin xấu độc, đồng thời phải tự tháo gỡ. Bất kỳ mạng xã hội nào hoạt động ở Việt Nam phải có cơ chế nhận phản ánh của người dân, của chính quyền các cấp để tự tháo gỡ.

Bộ cũng đã thành lập một trung tâm được hơn 4 năm về giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Bộ cũng thành lập trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc. Sắp tới, bộ sẽ ban hành các quy định để mỗi địa phương cũng phải có trung tâm này để hỗ trợ người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn