MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì tọa đàm “Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng mùa xuân năm 1975: Vai trò của Mặt trận ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30.4”. Ảnh: Nhật Hạ

Mặt trận ngoại giao góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975

Hải Anh LDO | 30/04/2020 21:12

Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao cách mạng non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của siêu cường hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân năm 1975.

Vận dụng tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao trùm tất cả những hoạt động ngoại giao của Việt Nam. “Trong thời kỳ Việt Nam đàm phán Hiệp định Geneva năm 1954, chúng ta chưa có điều kiện để thể hiện hết tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Đến Hội nghị Paris là lúc chúng ta trưởng thành, làm chủ vận mệnh của mình nên đã vận dụng được hầu hết những điều quan trọng mà Bác Hồ truyền lại” - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao nói.

Nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng, điều này thể hiện rõ từ quá trình họp tới khi ký kết và thực thi hiệp định. Ngay thời điểm bắt đầu họp đàm phán hiệp định Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý cần phải đúng thời điểm thì mới có kết quả. Thực hiện lời dạy này, cho dù chịu nhiều sức ép từ các bên về việc sớm đàm phán với Mỹ nhưng theo ông Nguyễn Dy Niên, Việt Nam chưa chấp thuận đàm phán bởi cho rằng, “nếu đàm phán non thì không thể nào đàm phán thực chất được, vì ý đồ của Mỹ là dùng đàm phán để kéo dài chiến tranh, dùng đàm phán để leo thang chiến tranh và dùng đàm phán để củng cố vị trí của chính quyền Sài Gòn”.

Với mong muốn Mỹ từ bỏ ý chí xâm lược, cuộc đấu tranh ở miền Nam hay khi Mỹ ném bom miền Bắc, Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh trên các mặt trận chính trị, quân sự. Và Tết Mậu Thân năm 1968 “là sự kiện cực kỳ quan trọng để làm cho Mỹ không còn ý chí kéo dài chiến tranh được nữa”.

Theo ông Niên, khi thời điểm đã chín muồi để có được cuộc đàm phán thực chất, trong quá trình đàm phán, ngoại giao Việt Nam “đã sử dụng rất nhiều điều Bác Hồ dạy”, từ tiến từng bước, từng bước đến khi tiến đến kết quả cuối cùng và quan trọng hơn cả là “Dĩ bất biến ứng vạn biến” - một di sản cực kỳ quan trọng, cực kỳ thấu đáo và thấm thía cho mỗi người Việt Nam trong thương lượng, đàm phán. 

Trận địa ngoại giao trong lòng địch

Phát biểu tại tọa đàm “Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến Đại thắng mùa xuân năm 1975: Vai trò của Mặt trận ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30.4” do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 28.4, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam sau hơn 19 năm đấu tranh trên mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược ở cả 2 miền Nam - Bắc. 

Hiệp định Paris là sự kết thúc thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris kéo dài 4 năm 8 tháng 14 ngày -  “cuộc đấu tranh dài nhất trong lịch sử ngành Ngoại giao Việt Nam và trên thế giới” và “để chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong thế kỷ XX”. Hội nghị đã trải qua 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ.

“Hội nghị Paris là một cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao cách mạng non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của siêu cường hàng đầu thế giới” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh. 

Hiệp định Paris đã mở ra một cục diện mới với so sánh lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về phía Việt Nam đồng thời ngăn chặn mọi ý đồ, âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân năm 1975. 

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay, có thể nói, hội nghị Paris là “đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thể hiện vai trò quan trọng, tích cực và chủ động của mặt trận ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận quân sự, chính trị với ngoại giao, trên cơ sở đề cao nguyên tắc hòa bình, độc lập, tự chủ, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sự ủng hộ và đoàn kết của nhân dân thế giới”. 

Theo Thứ trưởng, một trong những khoảng trống còn rất ít được nghiên cứu là quá trình đấu tranh thực thi Hiệp định Paris bắt đầu từ khi hiệp định có hiệu lực ngày 28.1.1973 kéo dài tới đại thắng mùa xuân 30.4.1975. Theo đó, trong giai đoạn này, một mặt, ta đã đồng thời mở diễn đàn 2 bên miền Nam Việt Nam tại Paris để đấu tranh dư luận và diễn đàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ để bàn về việc Mỹ đóng góp và hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam. Mặt khác, mặt trận ngoại giao chính yếu đã chuyển từ Paris về Sài Gòn, với thành phần đàm phán mới là 4 đoàn đại biểu quân sự chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam cộng hòa.

“Đây là trận địa ngoại giao trong lòng địch mà ở đó các chiến sĩ ngoại giao của chúng ta  đã viết tiếp những câu chuyện kỳ diệu, độc đáo về cuộc chiến đấu mới, đấu tranh chính trị, pháp lý công khai ngay giữa sào huyệt của kẻ thù” - Thứ trưởng Sơn nói. Theo ông, trong suốt 823 ngày đêm, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ ưu tú từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành khác tuy trong tình thế bị bao vây nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoại giao quân sự độc đáo, góp phần đấu tranh kiên quyết, yêu cầu Mỹ chấm dứt dính líu quân sự tại miền Nam Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn