MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Đặng Thị Nhung và ông Lê Văn Xuân cùng di ảnh con trai là liệt sĩ Lê Văn Sanh. Ảnh: Tường Minh

Mẹ liệt sĩ Gạc Ma – nước mắt đau thương và hạnh phúc

Hoàng Văn Minh LDO | 13/07/2022 16:50

Đà Nẵng - Nhìn lên di ảnh con trai trên bàn thờ, bà Đặng Thị Nhung, năm nay tròn 80 tuổi, mẹ liệt sĩ Lê Văn Sanh lại thút thít khóc dù đã tròn 34 năm mất con kể từ sự kiện Gạc Ma năm 1988. Có điều, những giọt nước mắt của mẹ Nhung bây giờ, ngoài đau thương còn trộn lẫn với niềm hạnh phúc an ủi.

34 năm vẫn không thôi khóc

Cả bà Đặng Thị Nhung và ông Lê Văn Xuân – bố mẹ của liệt sĩ Lê Văn Sanh, một trong 7 liệt sĩ ở Đà Nẵng hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988 - không bất ngờ lắm với sự xuất hiện của chúng tôi ở nhà riêng tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu thành phố Đà Nẵng trong những ngày này với đề nghị “xin thắp hương cho liệt sĩ”.

Mẹ Nhung bảo hàng năm đến dịp này, đặc biệt là ngày 14.3 – ngày diễn ra sự kiện Gạc Ma, thường có rất nhiều người tìm đến nhà thắp hương cho liệt sĩ Lê Văn Sanh cũng như thăm hỏi gia đình nên thi thoảng có khách lạ là chuyện thường tình.

Điều đặc biệt là trong số 7 liệt sĩ Gạc Ma tại Đà Nẵng, đến thời điểm này, chỉ còn gia đình liệt sĩ Lê Văn Sanh là còn đầy đủ cả bố mẹ. Bà Đặng Thị Nhung năm nay tròn 80 tuổi, ông Lê Văn Xuân đã 82 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Thậm chí mẹ Nhung hàng ngày vẫn còn đều đặn đi chợ bán cá. Mẹ bảo “đi bán không phải vì mưu sinh mà vì để tìm niềm vui, quên nỗi buồn”.

Rồi mẹ Nhung thút thít khóc, nhìn lên di ảnh con trai là liệt sĩ Lê Văn Sanh trên bàn thờ. “Nó là con đầu của tui, hy sinh lúc mới 21 tuổi, còn quá trẻ. Đi làm thì thôi, chứ về đến nhà, nhìn thấy ảnh nó là lòng tui lại quặn thắt từng cơn. Mấy chục năm rồi mà nỗi đau vẫn không bớt đi chút mô cả”, mẹ Nhung nói.

Mẹ Nhung khóc bởi không chỉ nhớ mỗi liệt sĩ Lê Văn Sanh. Mẹ có tất cả 6 người con, 4 trai, 2 gái. “Thời chiến”, mẹ mất liệt sĩ Lê Văn Sanh tại Gạc Ma. Thời bình, mẹ còn mất thêm hai người con trai nữa bởi bệnh tật và tai nạn. Giờ mẹ chỉ còn mỗi cậu trai út ở cùng đang làm cán bộ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

“Trời cho vợ chồng tui sức khỏe, sống lâu nhưng lại nhẫn tâm lấy đi một lúc 3 người con trai để vợ chồng tui phải kẻ đầu bạc khóc kẻ đầu xanh”, mẹ Nhung nói vậy khi chúng tôi khen mẹ còn quá khoẻ và trẻ so với tuổi đời của mình.

Mỗi năm 3 ngày giỗ

Nhưng cũng có những giọt nước mắt hạnh phúc. Là khi mẹ Nhung vừa thút thít vừa nói “kể ra con tui cũng cũng được hạnh phúc an ủi khi mỗi năm có đến 3 ngày giỗ”. Ngày giỗ đầu tiên là ngày 26.1 âm lịch (một ngày trước sự kiện Gạc Ma theo quan niệm truyền thống). Ngày giỗ thứ 2 là ngày 14.3 (ngày diễn ra sự kiện Gạc Ma tính theo dương lịch) và cuối cùng là 27.7, ngày thương binh liệt sĩ.  

An ủi nữa là ngoài di ảnh thờ trong gia đình, tên của liệt sĩ Lê Văn Sanh còn được khắc tại bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của địa phương. Đây là bia tưởng niệm các liệt sĩ qua các thời kỳ, trong đó, có 9 liệt sĩ Gạc Ma ở chính quê hương Hòa Cường, được đặt tại đình làng Nại Nam nay ở khối phố Nam Sơn, phường Hòa Cường, quận Hải Châu, được xây dựng năm Ất Tỵ (1905) để thờ Thành hoàng bảo an chính trực, bổn xứ thổ thần và các vị tiền nhân của làng, cũng là những vị tiền nhân của Đà Nẵng.

Gần nhất, tên của liệt sĩ Lê Văn Sanh cùng các động đội, cũng được khắc ghi tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh, Khánh Hòa cùng các hoạt động tưởng nhớ được tổ chức ở cấp quốc gia. “Nghe nói ngày 27.7 tới đây, phường Hòa Cường Bắc sẽ đến tận nhà tui để làm giỗ cho thằng Sanh”, ông Lê Văn Xuân nói, mắt ánh lên một niềm vui rất khó tả.

Mẹ Nhung cùng với các gia đình thân nhân liệt sĩ khác ở Đà Nẵng còn thường xuyên nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên, tặng quà của Ban liên lạc bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng, chính quyền địa phương các cấp.

“Trong ngày 14.3 vừa rồi, chính quyền địa phương không những làm lễ tưởng niệm liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma rất lớn, có rất nhiều người tham dự ở bia tưởng niệm ngoài đình làng Nại Nam, mà tui còn nhận được 4 triệu đồng từ chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm thông qua Ban liên lạc bộ đội Trường Sa”, mẹ Nhung kể.

Mẹ Nhung còn cười thành tiếng, bảo “có nhiều chuyện lạ lắm. Ví như hàng năm cứ đến ngày 14.3 hay thương binh liệt sĩ, nhà tui hay đón những vị khách không biết ở mô tới, chỉ nghe nói là xa lắm, tận trong Sài Gòn, ngoài Hà Nội. Họ đi ôtô, có khi tự tìm nhà, có khi nhờ người dẫn tới. Họ lên thắp hương cho thằng Sanh, hỏi han vợ chồng tui rất thân tình rồi gởi tiền để trong phong bì, cứ bắt tui nhận cho bằng được mà không nói lý do, không để lại tên tuổi chi cả…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn