MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Miễn học phí ngành sư phạm “giống kiểu lấy 1 miếng mồi ra nhử”

Khánh Hoà LDO | 11/06/2018 18:00

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với dự định áp dụng tín dụng sư phạm và cho rằng chính sách miễn học phí cho ngành sư phạm không thực sự khuyến khích người giỏi.

Phát biểu thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều đại biểu cho rằng ngành sư phạm đã tới lúc bão hoà, ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục bao cấp để miễn phí cho sinh viên khối ngành này và nên huỷ bỏ quy định miễn học phí với sinh viên sư phạm.

Trao đổi với PV Lao Động, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc miễn giảm học phí cho trường sư phạm không thực sự khuyến khích người giỏi dù là một chính sách rất nhân văn “nhưng không thực tế” và dù có ưu tiên nhưng không phải ai cũng sẵn sàng vào học sư phạm và những người giỏi cũng không màng. Nhận xét về chính sách miễn học phí, đại biểu này nhận xét “giống như kiểu lấy 1 miếng mồi ra nhử” nên chỉ có thể thu hút được những người hồn nhiên thậm chí thu hút được những người lợi dụng để vào đó để giải quyết vấn đề trước mắt là có được học đại học, giải quyết 1 tấm bằng chứ không phải thu hút được những người tâm huyết với nghề.

Do đó, việc chuyển sang chính sách tín dụng là điều chỉnh đáng quan tâm bởi “câu chuyện lợi dụng có thể xảy ra nhưng giảm bớt đi”. Trong khi đó, đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ), học phí không phải là vấn đề chính của tình trạng đầu vào sư phạm thấp, mà câu chuyện nằm ở sức hấp dẫn của ngành học, môi trường làm việc và các chế độ đối với nhà giáo.

Đại biểu Phú Thọ cho rằng, nếu mạng lưới ngành sư phạm được quy hoạch bài bản, sinh viên học xong ra trường có việc làm ngay, mức lương tương xứng với áp lực mà nhà giáo phải chịu thì sẽ có nhiều học sinh giỏi chọn học các trường sư phạm.

Đại biểu Đinh Thị Bình lưu ý, hiện nay các ưu tiên nguồn lực cho khối giáo dục mầm non đang rất yếu, mỗi năm toàn quốc tăng 250.000 trẻ trong khi hệ thống cơ sở vật chất, giáo viên vừa thiếu, vừa yếu.

Đồng tình với chương trình tín dụng sư phạm, đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) đề nghị xem xét thật thấu đáo chính sách miễn giảm học phí ở các cấp học khác bởi đây là nội dung liên quan đến mật thiết tới đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận như việc sẽ cho thử nghiệm, thực nghiệm các chương trình sửa đổi liên quan đến giáo dục trước khi áp dụng trong thực tế.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, người dân bức xúc trước tình trạng ngành giáo dục cứ liên tục sửa đổi, thử nghiệm nhưng hiệu quả thì chưa một cơ quan nào đánh giá cặn kẽ, do đó cần có một cơ chế nghiêm khắc đối với việc cho áp dụng các mô hình thử nghiệm hiện chẳng có một cơ quan nào giám sát, tuýt còi. Ông cũng đưa ý kiến về tình trạng loạn giá sách giáo khoa khi cùng một chương trình mà có rất nhiều mẫu sách khác nhau với giá cả cũng rất khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn