MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hồng Thao (trái) và Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ngày 12.11. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Minh chứng của sự ủng hộ, tín nhiệm của cộng đồng quốc tế với Việt Nam

Thanh Hà LDO | 13/11/2021 16:14
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc với kết quả cao, 145 phiếu, là một minh chứng cho sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày 12.11, tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ) đã diễn ra cuộc bầu cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) trong khuôn khổ khóa họp 76 của Đại hội đồng.

Tại đây, 34 thành viên Ủy ban được chọn lựa cho nhiệm kỳ 2023-2027. Đại diện Việt Nam tham gia ứng cử là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên đương nhiệm của ILC khóa 2017-2021.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, kỳ bầu cử ILC năm nay được đánh giá có tính cạnh tranh cao ở các khu vực, như Đông Âu (7 ứng cử viên cho 3 vị trí), Tây Âu và Châu Á – Thái Bình Dương (11 ứng cử viên cho 8 vị trí).

Ngoài Việt Nam, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương còn có các ứng viên từ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Lebanon, Cyprus, Sri Lanka.

Vượt qua các ứng cử viên mạnh khác trong khu vực, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vào ILC với số phiếu 145/193, đứng thứ 4 trong khu vực, chỉ sau ứng cử viên từ Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.

Điều này đã phản ánh sự tin tưởng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và với Việt Nam nói chung, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức mới nảy sinh như biến đổi khí hậu, đại dịch, các vấn đề an ninh mạng…, yêu cầu có sự nghiên cứu và xây dựng, định hình các quy định pháp lý một cách kịp thời, sâu sát từ diễn đàn pháp lý quốc tế lớn nhất hiện nay.

Chia sẻ sau thông tin này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử có nhiều ý nghĩa quan trọng. "Việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc với kết quả cao 145 phiếu là một minh chứng cho sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của nước ta trên trường quốc tế" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Bộ trưởng chia sẻ thêm: "Thứ hai, việc chúng ta tiếp tục tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc, một cơ quan có chức năng thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển pháp luật quốc tế, đã khẳng định hội nhập quốc tế của Việt Nam tiếp tục chuyển mạnh sang chủ động đóng góp vào xây dựng luật pháp quốc tế, cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu vì một thế giới hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội". 

Cũng theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử cũng "thể hiện sự trưởng thành của đối ngoại đa phương Việt Nam, khẳng định sự tín nhiệm của quốc tế đối với nỗ lực bền bỉ và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong Liên Hợp Quốc và các thể chế đa phương. Đồng thời, cũng khẳng định trình độ, năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung, đối ngoại đa phương nói riêng của nước ta ngày càng nâng cao, từng bước vươn tới trình độ khu vực và thế giới".

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, với Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, việc tái cử tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế chính là sự ghi nhận xứng đáng của quốc tế đối với trình độ, năng lực và kinh nghiệm cũng như đóng góp tích cực của Đại sứ vào thúc đẩy các vấn đề pháp luật quốc tế quan trọng trong suốt nhiệm kỳ công tác tại Ủy ban Luật pháp quốc tế 2017-2022 vừa qua.

Ngoài Ủy ban Luật pháp quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia tranh cử tại nhiều tổ chức, thể chế quốc tế quan trọng như Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021-2025), Ủy ban Liên chính phủ Công ước Di sản phi vật thể (2022-2026), Ủy ban Di sản thế giới (2023-2027), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (2023-2025)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn