MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mở cửa du lịch gần như sớm nhất nhưng năm 2022 Việt Nam chỉ đón 3,5 triệu lượt khách

Nhóm PV LDO | 07/01/2023 11:17

Mặc dù là quốc gia mở cửa du lịch gần như sớm nhất nhưng chúng ta chỉ đón 3,5 triệu lượt khách trong năm 2022. Chính vì vậy, Đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề về du lịch cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai.

Du lịch cần được quy hoạch đậm nét

Thảo luận tại hội trường ngày 7.1 về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, các đại biểu Quốc hội cho rằng quy hoạch phải đặt mục tiêu phát huy được ưu thế, lợi thế của đất nước, địa phương, trong đó có vấn đề du lịch.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết, quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành hành lang mới.

Nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của sáu vùng theo Nghị quyết đã đề ra. 

Bên cạnh đó, vấn đề về du lịch cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai. Theo đại biểu Trần Quang Minh, Việt Nam đang có lợi thế lớn về mọi mặt của du lịch, dư địa còn nhiều, do đó cần phải tạo được sự khác biệt để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế và trong nước.

Đại biểu Trần Quang Minh. Ảnh: QH

Dự thảo có nêu định hướng thiết lập hành lang liên kết du lịch vùng Đông Nam Á và quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm. Đại biểu Trần Quang Minh nêu rõ, việc phối hợp để tạo nên những tour, tuyến hấp dẫn, đa dạng, phong phú giữa các vùng là điều rất quan trọng. Nhưng cần phải có nguyên tắc cơ bản quy định cho liên kết các vùng du lịch trong nước làm cơ sở liên kết các vùng với các địa phương.

"Cần xem xét các định hướng mang tính thực chất và khả thi hơn. Ví dụ như phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có đến 45 triệu đến 50 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ tiêu đưa ra trong 8 năm tới gấp 13 đến 15 lần hiện tại và gấp 3 lần so với thời điểm cao nhất.

Đây là vấn đề khó khi năm 2022, Việt Nam là nước mở cửa du lịch gần như sớm nhất, tỉ lệ tiêm vaccine cho người dân đạt rất cao nhưng chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách", đại biểu cho hay.

Cũng thảo luận về phát triển ngành du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, trong quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng. Trong 6 vùng không gian phát triển những sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau.

Đại biểu cho rằng, đây là sự liệt kê, tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng, chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể và chưa xác định được đâu là sản phẩm du lịch chính nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng.

"Khi xác định được sản phẩm du lịch chính, chúng ta mới có thể có phương hướng, kế hoạch tập trung để đầu tư phát triển, nếu cứ dàn trải, đầy đủ, đại biểu lo ngại sẽ rơi vào đầu tư manh mún, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả", đại biểu nhấn mạnh.

Quy hoạch 450 km mà 5 - 6 sân bay quốc tế thì không được

Tại buổi thảo luận tổ, ông Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương), cho biết, việc xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, đảm bảo quyền lợi của người dân. Ông nêu hiện nay tỉnh nào cũng có sân bay, cảng, khu công nghiệp.

"Sân bay quốc tế thì ít nhất phải cách nhau 500 km. Chúng ta có khoảng 450 km nhưng 5-6 cái sân bay quốc tế. Đầu tư dàn trải như vậy thì không được", ông Phàn nhận định.

Nêu ví dụ Singapore chỉ bằng Phú Quốc nhưng sân bay của họ đi khắp cả thế giới, đại biểu Trần Công Phàn nhấn mạnh quan điểm, xây dựng quy hoạch phải dựa trên thế mạnh của từng địa phương, từ đó tạo sự phát triển chung cho đất nước.

Đại biểu Trần Công Phàn. Ảnh: Gia Hân 

Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra mục tiêu năm 2030 sẽ đạt GDP bình quân đầu người ở mức trung bình cao, khoảng 7.500 USD.

Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD, tức là trong 20 năm thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7.500 USD tới 32.000 USD, gấp 4 lần.

Đại biểu Hùng nêu băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu nêu trên. Bởi theo ông, vượt qua bẫy trung bình đã khó, còn vượt xa như vậy sẽ là thách thức. Trong khi đó, đặt ra được mục tiêu khả thi thì mới tính toán được các bước đi, giải pháp tiếp theo, còn nếu mục tiêu không khả thi thì các bước đi sẽ gặp khó khăn.

"Tôi rất băn khoăn về mục tiêu, tầm nhìn này. Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới năm 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khá khó khăn cho năm 2050", ông Hùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn