MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương), phát biểu tại phiên thảo luận về Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh QH

Mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM: Không tổ chức HĐND cấp quận, phường

Vương Hà Chung LDO | 12/11/2020 17:40

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc thực hiện Nghị quyết tổ chức Chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh là thực hiện luôn chứ không thí điểm.

Thực hiện ngay mô hình, tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 10, hôm nay (12.11), Quốc hội tiếp tục thảo luận về Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh.

Tại đây rất nhiều vấn đề đã được thảo luận từ việc tiếp tục thí điểm hay áp dụng ngay, quyền giám sát khi TP.HCM bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường, quận, hay rộng hơn là cơ chế đặc thù cho các địa phương trên cả nước…

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) thể hiện quan điểm đồng tình với việc thực hiện ngay mô hình, tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM mà không cần thí điểm, để đến tháng 7.2021, nghị quyết của Quốc hội sẽ đi vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững.

Cũng như phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP.Hồ Chí Minh đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước trong thời gian tới.

“TP.Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm trên 21% tổng sản phẩm GDP, chiếm trên 29% tổng thu ngân sách của cả nước”, bà Vang cho biết.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng), phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh QH

Không tổ chức HĐND quận, phường

“Một trong nhiều trăn trở của người dân và không ít đại biểu khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một cấp nào đó liệu có ảnh hưởng đến quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân qua người đại diện cho mình hay không?”, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) đặt câu hỏi.

Song theo đại biểu Nhân, những lo ngại này hoàn toàn có thể được giải quyết trên thực tế trình xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh hiện nay.

Trong phần báo cáo tiếp thu, giải trình một số nội dung liên quan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết TP.HCM đã có thời gian hơn 6 năm để thực hiện mô hình thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, quận, phường trong giai đoạn từ năm 2009 - 2016 và đã tổng kết việc thí điểm này.

“Thấy rằng việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận, phường là có tính hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc thực hiện Nghị quyết tổ chức Chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh là thực hiện luôn chứ không thí điểm. Song, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dù là thí điểm hay không thí điểm thì Chính phủ vẫn đề nghị là sau một thời gian, khoảng 3 năm thực hiện thì chúng ta cũng nên sơ kết.

“Luật chúng ta cũng có sơ kết, tổng kết, nếu chưa phù hợp, chúng ta cũng sửa. Nếu mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM trong thời gian thực hiện thấy cần điều chỉnh chúng ta sẽ tiếp tục đề nghị Quốc hội để điều chỉnh”, ông Tân nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn