MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gạo là mặt hàng quan trọng trong các kho dự trữ nhà nước. Ảnh: Đức Thành

Mở rộng đấu thầu qua mạng để tăng công khai, minh bạch

NGUYỄN THÚY LDO | 28/12/2022 11:23

Hiện tại, 100% việc mua sắm hàng dự trữ quốc gia được đấu thầu qua mạng với quy trình công khai, minh bạch và công bằng. Những nhà thầu không thực hiện đúng cam kết, vi phạm quy định đấu thầu sẽ bị cấm tham gia trong 3 năm. 

Minh bạch trong đấu thầu trực tuyến

Tại cuộc họp báo chuyên đề về một số nội dung liên quan đến xuất cấp hàng dự trữ quốc gia năm 2022 của Tổng cục Dự trữ nhà nước (DTNN) - Bộ Tài chính, ông Phạm Việt Hà - Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ cho biết, đến nay 100% hàng dự trữ quốc gia được thực hiện đấu thầu qua mạng. Công tác đấu thầu được chia làm 2 chủ đầu tư. Trong đó, Tổng cục DTNN sẽ là chủ thầu mua sắm vật tư, thiết bị; các cục DTNN khu vực sẽ là chủ thầu mua sắm lương thực. Hàng dự trữ quốc gia đều phải có tiêu chuẩn, quy trình nhập kho.

Để đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hóa, ngoài cán bộ công chức của ngành dự trữ Nhà nước còn có cơ quan trung gian chuyên môn. Việc này được tiến hành công khai, minh bạch. “Chúng tôi thực hiện đánh giá các nhà thầu dựa trên xếp hạng đánh giá uy tín để đảm bảo chất lượng và công bằng. Mức giá đấu thầu sẽ được Bộ Tài chính phê duyệt sát giá thị trường”, ông Hà nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Phố Giang - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, các hoạt động mua bán hàng dự trữ quốc gia đều thực hiện đúng theo Luật Đấu thầu và các quy định liên quan. Bên cạnh đó, ngành DTNN cũng bám sát tình hình dịch bệnh, thiên tai để chủ động tham mưu cũng như triển khai một cách chủ động nhất. 

“Các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu phải đảm bảo đúng theo pháp luật. Những nhà thầu không thực hiện đúng cam kết, vi phạm quy định đấu thầu sẽ bị cấm tham gia trong 3 năm. Về phía Tổng cục DTNN, nếu các nhà thầu vi phạm thì sẽ có những chế tài xử lý kịp thời”, bà Giang thông tin. Cũng theo bà Giang, 2022 là năm đầu tiên Tổng cục Dự trữ Nhà nước triển khai đấu thầu hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với tất cả công tác nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia.

Đã xuất cấp 107.327 tấn gạo 

Tính đến ngày 26.12, Tổng cục đã giao các Cục DTNN các khu vực thực hiện xuất cấp trên 107.300 tấn gạo để hỗ trợ cho các địa phương, trị giá tương ứng 1.287 tỉ đồng. Trong đó, gồm hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán 2022; hỗ trợ giáp hạt đầu năm; hỗ trợ dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tại do ảnh hưởng mưa lũ, hạn hán, mất mùa; hỗ trợ học sinh; hỗ trợ trồng rừng và xuất viện trợ cho Philippines để khắc phục hậu quả mưa bão.

Ngoài gạo, Tổng cục Dự trữ còn xuất cấp vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn như xuồng, nhà bạt cứu sinh, phao cứu sinh, thiết bị chữa cháy. Các bộ, ngành quản lý, Bộ NNPTNT xuất cấp hỗ trợ địa phương cứu trợ người dân phòng chống dịch bệnh với vắc xin, thuốc sát trùng, hạt giống rau, lúa và ngô.

Theo Tổng cục DTNN, việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho địa phương trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19 mang ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, chia sẻ của Chính phủ với người dân. “Việc hỗ trợ không chỉ bảo đảm công tác an sinh xã hội mà còn trực tiếp động viên, khuyến khích người dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất và phục vụ tốt công tác quốc phòng, an ninh. Đặc biệt là đối với các vùng số điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng biên giới”, ông Phạm Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ cho biết.

Về kế hoạch xuất cấp gạo trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Tổng cục DTNN cho biết, đến nay đã có 14 địa phương trình Thủ tướng xuất cấp cho nhân dân trong một tháng Tết. Mỗi nhân khẩu 15kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, tổng số gạo 15.400 tấn. “Tổng cục đang phối hợp với Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng ban hành quyết định cấp xuất gạo dự trữ cho các địa phương, hàng dự trữ đến được người dân sớm nhất”, ông Hà cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn