MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo nghị định lần 3 đã mở rộng các đối tượng áp dụng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ảnh: Hải Nguyễn

Mở rộng đối tượng áp dụng khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Vương Trần LDO | 25/04/2023 10:27

Dự thảo lần 3 Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã mở rộng đối tượng áp dụng so với dự thảo lần 2.

Bộ Nội vụ đã Dự thảo lần 3 Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nghị định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục đề xuất và phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo, chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung (sau đây gọi là cán bộ năng động, sáng tạo) trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; trách nhiệm của cán bộ, cơ quan, tổ chức trong đề xuất và thực hiện đề xuất; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan.

Theo dự thảo Nghị định, đối tượng áp dụng Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng: Cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan sau: 

Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; 

Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; 

Kiểm toán nhà nước; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập;

Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, cấp huyện. 

Viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. 

Người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu. 

Người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Theo dự thảo Nghị định, khuyến khích là sự khích lệ, tin tưởng, tôn trọng, ghi nhận, động viên bằng các hình thức phù hợp, tạo động lực, nguồn lực, điều kiện và môi trường để cán bộ chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo cống hiến vì lợi ích chung. 

Bảo vệ là việc áp dụng các biện pháp cần thiết, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước và thực tiễn triển khai để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, sự an toàn của cán bộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. 

Cán bộ năng động, sáng tạo là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. 

Vì lợi ích chung là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi.

Như vậy, so với dự thảo lần 2, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với Nghị định này được mở rộng hơn.

Dự thảo Nghị định lần 2 đưa ra 2 phương án đối tượng áp dụng.

Phương án 1: Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Phương án 2: Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn