MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Phạm Đông

Mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội

PHẠM ĐÔNG LDO | 11/03/2024 16:35

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mong muốn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp.

Khắc phục nghịch lý thừa phân khúc nhà cao cấp, thiếu phân khúc bình dân

Ngày 11.3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các luật mới được ban hành: Luật đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái kinh tế, nhất là ngành ngân hàng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đối với khó khăn, vướng mắc về tín dụng, quy hoạch, tình trạng pháp lý, hoạt động kinh doanh bất động sản…, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cần đánh giá kỹ hiệu quả thực thi của các cơ chế, chính sách, pháp luật.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước sẽ làm hết sức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền. Song, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục "nghịch lý" thừa phân khúc cấp cao, thiếu phân khúc bình dân, giải quyết tình trạng "thổi giá", "đẩy giá"…

Cần có quan điểm rõ ràng, công tâm, khách quan, không né tránh nhằm đưa thị trường bất động sản trở lại hoạt động bình thường.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ công tác phải thống kê số dự án bất động sản đã được giao đất nhưng đang vướng mắc về thủ tục; xây dựng tiêu chí nhà đầu tư bất động sản có năng lực.

Bên cạnh đó, tổ công tác mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thấp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp; hướng dẫn đầy đủ cho địa phương thực hiện theo cơ chế, chính sách đã có về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất…

Đối với nguồn vốn dành cho các dự án nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách tài khóa hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tính toán chi phí hợp lý, đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Đông

Hà Nội đang tháo gỡ vướng mắc cho 246 dự án bất động sản

Theo nhận định của Bộ Xây dựng tại cuộc họp, thời gian qua, thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Tiêu biểu, Hà Nội hiện có 404 dự án. Qua rà soát phân loại khó khăn, vướng mắc, đã đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai 81 dự án; 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động; 67 dự án tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hà Nội đang tiếp tục triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành.

Tương tự, TPHCM đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác yêu cầu; 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản thành phố tổng hợp kiến nghị; đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án…

Cho rằng ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, đối với ngành bất động sản, rủi ro chính là đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ.

Do đó, trong những năm qua, cùng với Bộ Xây dựng, các bộ ngành, hiệp hội, chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mong muốn tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, đặc biệt về cơ chế tín dụng để giãn, hoãn các khoản nợ…

Báo cáo một số vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỉ, ông Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt là cần tạo điều kiện để “cầu tiếp cận được nguồn cung” và đẩy mạnh nguồn cung; trên cơ sở đó, giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung-cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn