MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Mỗi khi tăng lương, các đơn vị sự nghiệp lại méo cả mặt"

Tất Thảo LDO | 25/05/2024 17:20

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ, mỗi lần Nhà nước tăng lương thì các đơn vị sự nghiệp méo cả mặt, vì họ phải tự bù vào khoản tăng đó, đặc biệt là trong ngành giáo dục và y tế.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 7, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn về cải cách tiền lương sắp tới: “Đến bây giờ, bản thân tôi cũng không biết lương của tôi sẽ thay đổi như thế nào khi cải cách tiền lương”.

ĐBQH Phong Lan cho rằng, muốn cải cách tiền lương phải có nguồn; năng suất làm việc, năng suất lao động phải khá hơn. Còn hiện nay, theo bà, giảm biên chế còn rất khó khăn, kinh tế nói chung gặp khó, doanh nghiệp giải thể, “người bây giờ giữ được việc để mà làm là đáng mừng rồi".

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Tất Thảo

Bà Lan cho rằng, Nhà nước chắc chắn sẽ tính toán để có sự hợp lý trong chính sách tiền lương, tránh tình trạng cào bằng, người lười, người chăm thu nhập giống nhau. Nhưng theo bà, “cũng đừng mong được lương chót vót lên cao”.

Một vấn đề khác bà Lan băn khoăn là tăng lương trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Đơn vị hành chính được nhà nước lo lương; còn các đơn vị sự nghiệp, mỗi lần Nhà nước tăng lương thì méo cả mặt, vì họ phải tự bù vào khoản đó. Đặc biệt, trong giáo dục và y tế thì khoản đó lấy từ đâu? Giáo dục thì "đánh" vào học sinh, y tế thì "đánh" vào người bệnh trong khám chữa bệnh dịch vụ” - bà Lan giải thích và cho biết, đây là lý do bà còn băn khoăn, chưa dám lạc quan vào chính sách cải cách tiền lương sắp tới.

Ngoài ra, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan còn bày tỏ lo ngại về giá, bởi lương chưa tăng, giá đã rục rịch tăng, nguy cơ lạm phát…

“Nói chung chính sách tiền lương phải có sự thay đổi, nếu cứ như hiện tại thì không ổn. Nhưng có lẽ chúng ta chưa tìm được phương án tối ưu. Chúng ta đừng nên đặt quá nhiều hy vọng vào chính sách tiền lương mới, bởi nếu khi không được như vậy thì lại thất vọng” - bà Lan chia sẻ.

ĐBQH Phong Lan băn khoăn về việc tăng lương trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là ngành y tế và giáo dục. Ảnh: Thùy Linh

Trước đó, trong phần thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 23.5, ĐBQH Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cũng đề cập đến vấn đề này.

ĐBQH này cho biết, cử tri nắm được việc nâng lương cho y tế và nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng cử tri băn khoăn khi nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo sẽ lấy từ nguồn ngân sách hay từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị tự chủ công lập? Nếu lấy từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị công lập thì sẽ là gánh nặng cho chính các đơn vị sự nghiệp, gánh nặng cho người bệnh và người học khi tính đúng, tính đủ các chi phí bao gồm chi phí tăng lương vào chi phí khám bệnh và học phí của người bệnh.

Nữ ĐBQH bày tỏ lo ngại điều này sẽ dẫn đến người bệnh khi không đóng bảo hiểm y tế không dám đến bệnh viện; người học không đủ tiền để đóng học phí.

ĐBQH Dương Minh Ánh đề nghị cần tính toán kỹ khi giải quyết bài toán tăng lương và bài toán giao tự chủ cho các đơn vị tự chủ công lập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn