MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, nhiều dự án ở Cao Bằng chưa thể triển khai. Ảnh: CTT tỉnh Cao Bằng.

Môi trường kinh doanh hạn chế, nhiều dự án ở Cao Bằng chưa thể triển khai

Tân Văn LDO | 12/07/2023 20:20

Ngày 12.7, Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Cao Bằng tiếp tục diễn ra, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo đó, nhiều vấn đề “nóng” được cử tri và dư luận quan tâm đã được các đại biểu đề cập, phản ánh, chất vấn.

Trong đó, nổi lên một số vấn đề tồn tại, kéo dài như chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước còn thấp.

Môi trường đầu tư kinh doanh còn một số tồn tại, hạn chế. Nhiều ý kiến, kiến nghị và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp chưa được giải quyết.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình trạng thiếu vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình. Vấn đề thiếu nhân lực, trang thiết bị tại văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc phục vụ người dân, gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong người dân và doanh nghiệp.

Bày tỏ băn khoăn về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh, nhiều năm đứng tốp cuối, ông Sầm Minh Hồ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng đề nghị, cần quyết tâm, quyết liệt, xác định rõ “đúng bệnh” để “bốc đúng thuốc”, khắc phục hạn chế trong môi trường đầu tư, kinh doanh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bế Xuân Tiến cho biết: GRDP nhiều năm liền không đạt mục tiêu tỉnh đề ra.

6 tháng đầu năm 2023, GRDP của tỉnh đạt 3,29%, trong đó một số lĩnh vực như công nghiệp chế biến, xây dựng có tăng trưởng. Qua tính toán về tính khả thi, năm 2023 cũng chỉ đạt GRDP từ 6 - 7%.

Điều này ngoài những nguyên chủ quan còn do những nguyên nhân khách quan. Đến nay, có nhiều dự án mặc dù đã đôn đốc, thúc đẩy nhưng vẫn không triển khai được, tập trung vào một số lĩnh vực thủy điện, phát triển đô thị, dự án tuyến cao tốc đường bộ Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) chưa thể khởi công.

Về mặt giải pháp, địa phương xác định sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, duy trì ổn định về sản lượng, diện tích bởi nông nghiệp có vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế; tập trung vào một số dự án có khả năng triển khai (đường cao tốc, tăng giá trị điện sản xuất; nâng cao sản lượng khoáng sản); tập trung giải ngân xây dựng cơ bản...

Điều này đòi hỏi, thời gian tới địa phương sẽ phải nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu tỉnh về kịch bản tăng trưởng bảo đảm điều hành cụ thể, linh hoạt, có tính khả thi cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn