MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh quochoi.vn.

Một số cán bộ, công chức có tài sản giá trị rất lớn giải trình chưa rõ về nguồn gốc

NGUYÊN - HÙNG - TRUNG LDO | 25/10/2018 12:33
Bà Lê Thị Nga nêu thực tiễn một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng cũng chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản này đã gây nghi ngờ trong dư luận.

Sáng 25.10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Bà Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với việc cần thiết phải có các quy định để xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý đối với nguồn gốc nhưng cũng có ý kiến đề nghị không quy định về vấn đề này.

Lý do họ đưa ra là tài sản của cán bộ, công chức, viên chức có thể hình thành từ nhiều nguồn khác nhau mà người có nghĩa vụ kê khai vì một lý do nào đó không muốn kê khai.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, đối với tài sản do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì Bộ luật Hình sự (BLHS), Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rất cụ thể các biện pháp tịch thu sung công hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện hành và dự thảo Luật cũng đã quy định tịch thu đối với tài sản do tham nhũng mà có.

Riêng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì đến nay, pháp luật chưa có quy định để xử lý, trong khi đó, không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp.

Nghị quyết của Đảng yêu cầu đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản trong phòng chống tham nhũng, nâng cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong minh bạch tài sản, thu nhập.

"Đồng thời, thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng cũng chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản này đã gây nghi ngờ trong dư luận”, bà Nga nói.

UBTVQH cũng cho rằng việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để xử lý là rất phức tạp. Do đó, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cần được cân nhắc thận trọng, có bước đi, cách làm phù hợp để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, đồng thời bảo đảm sự hài hòa cả về tính pháp lý, chính trị và thực tiễn xã hội của nước ta.

Trên cơ sở cân nhắc những ưu, nhược điểm 3 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án 3 (xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án), vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với hai phương án còn lại.

Tuy nhiên, do đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau nên UBTVQH đề nghị Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về 2 phương án còn lại.

Tại buổi thảo luận trong buổi sáng, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ không thể đồng tình với phương án chuyển ra tòa. Lý giải về điều này, ông Phương đưa ra một số lý do: Thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra mà không chứng minh được tài sản thu nhập do vi phạm mà có thì không thể có chứng cứ, không có cơ sở pháp lý để quy tội nên không thể chuyển cho tòa án xét xử. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn