MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và các lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Ảnh: D.Trọng

Một số Chủ tịch UBND các cấp chưa gương mẫu chấp hành bản án hành chính

Vương Trần LDO | 19/12/2022 16:18

Bên cạnh việc chỉ ra nhiều kết quả nổi bật, báo cáo về công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính của Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ hạn chế đó là một số Chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm, chưa gương mẫu trong việc chấp hành bản án hành chính...

Chiều nay (19.12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự và chủ trì Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Cùng chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.

Báo cáo về công tác tư pháp năm 2022 nêu rõ, thực hiện phương châm của Chính phủ năm 2022 là: “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, ngành Tư pháp đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công tác, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Liên quan tới công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, báo cáo nêu rõ hệ thống thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao.

Thể chế về thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện, kịp thời giải quyết một số tồn tại, vướng mắc, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thi hành án, nhất là việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp tiếp tục được rà soát, kiện toàn, kịp thời giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài.

Kết quả thi hành án dân sự năm 2022 về tiền đạt trên 75.000 tỉ đồng, tăng hơn 29.330 tỉ đồng (trên 64% so với năm 2021).

Một số địa phương đạt kết quả thi hành án dân sự cao về việc, như: Thanh Hóa, Bình Định, Nghệ An..., về tiền, như: Hà Nam, Thanh Hóa, Bình Dương.....

Kết quả thi hành án đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt kết quả cao. Cụ thể, đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với gần 16.000 tỉ đồng, tăng gần 12.000 tỉ đồng so với năm 2021.

Số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.

Về công tác theo dõi thi hành án hành chính có nhiều khởi sắc. Các vụ việc thi hành án hành chính đều được theo dõi, đôn đốc kịp thời. Trong năm có 429 vụ việc đã được thi hành xong.

Một số địa phương có án cao, như: TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, TP Hà Nội, Quảng Nam, Phú Yên...

Tuy đạt được nhiều kết quả trong việc thi hành án dân sự, thi hành án dân sự song báo cáo cũng thẳng thắn thừa nhận số việc thi hành án chuyển kỳ sau tuy đã giảm (giảm 27.173 việc) nhưng vẫn còn cao. Số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều.

Số lượng bản án, quyết định hành chính mới phát sinh trong năm 2021, năm 2022 tăng mạnh do Toà án tăng cường xét xử sau dịch COVID-19, nên vẫn còn 563 bản án, quyết định hành chính đang trong thời hạn tự nguyện thi hành hoặc người phải thi hành án đang tiến hành các nhiệm vụ, công vụ để thi hành án.

Một số Chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm, chưa gương mẫu trong việc chấp hành bản án hành chính; chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý; còn trường hợp không giải quyết hoặc không thông báo kết quả giải quyết đối với kiến nghị về thi hành án của các cơ quan có thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn