MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh Xuân Hải

Muốn chọn cán bộ giỏi, cần thực hiện tốt dân chủ, công khai, minh bạch

VƯƠNG TRẦN (THỰC HIỆN) LDO | 13/08/2019 14:00

"Muốn chọn được cán bộ giỏi phải thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ - công khai – minh bạch", ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cho biết như vậy về công tác chuẩn bị, lựa chọn, giới thiệu cán bộ bầu vào các cấp ủy tại Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thưa ông, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang tới gần. Một trong những công việc được nhiều người quan tâm là công tác cán bộ. Ông có suy nghĩ gì về việc này?

- Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Dứt khoát không để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức vào cấp ủy sắp tới”. Điều này như một thông điệp mạnh mẽ về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được rất nhiều người tin tưởng, ủng hộ về công tác nhân sự sắp tới cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc.

Trong công tác cán bộ, chúng ta cần phải xem lại, sau đó áp dụng các quy định, quy trình, quy tắc để chọn người tài. Những người thực hiện công tác cán bộ phải là những người trong sáng, vô tư, đặt lợi ích của Đảng, nhân dân lên trên hết. Thứ hai, những người này phải là những người có trình độ để đánh giá con người, đánh giá cán bộ một cách đúng đắn. Những người làm công tác cán bộ phải là những người có tài, có tâm, có tầm.

Một điều rất quan trọng đó là cần phải nắm vững nguyên tắc dân chủ - công khai – minh bạch trong việc thực hiện công tác cán bộ.

Ông có thể nói rõ hơn việc thực hiện công tác cán bộ phải đúng nguyên tắc dân chủ - công khai – minh bạch?

- Tôi cho rằng, những nguyên tắc đó nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chúng ta sẽ lựa chọn được cán bộ phù hợp để giới thiệu vào cấp ủy. Dân chủ là khi giới thiệu cán bộ vào cấp ủy thì cần phải bàn bạc, sau đó đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể về người được giới thiệu. Cơ sở giới thiệu để lựa chọn nhân sự.

Sau bước giới thiệu nhân sự, những người làm tổ chức phải đi thẩm tra xác minh về người được giới thiệu. Cũng từ đây, yêu cầu những người được tuyển chọn phải khai báo đầy đủ, kê khai tài sản… để xem tính trung thực, phẩm chất, năng lực của người được giới thiệu.

Công khai là phải công bố mọi thứ lên, không việc gì phải úp mở. Ví dụ sẽ dự kiến giới thiệu những ai vào cấp ủy thì có những ý kiến nào đồng tình hay không ủng hộ về việc giới thiệu này. Có những ý kiến gì về việc giới thiệu quy hoạch này. Từ đó, chúng ta ghi nhận các ý kiến, thẩm tra các thông tin liên quan, lấy phiếu tín nhiệm để sàng lọc cán bộ. Những việc đó phải được thực hiện minh bạch, rõ ràng.

Vậy thưa ông, làm thế nào để tránh việc "chọn người nhà mà lọt người tài", thực sự lựa chọn được những cán bộ tài, đức, đủ năng lực?

- Những người làm tổ chức cán bộ, những người đứng đầu phải là những người trong sáng, có năng lực. Trong công tác này cần phải làm cẩn thận, không hồ đồ, hấp tấp, không để có chủ nghĩa nể nang.

Đối với những cán bộ được lựa chọn, phải tuân thủ theo đúng quy trình từ việc lựa chọn quy hoạch, quá trình thử thách rồi mới tiến tới đưa vào việc giới thiệu nhân sự cho đại hội. Quá trình rèn giũa, thử thách cùng sự giám sát của tổ chức, của quần chúng sẽ lựa chọn được những cán bộ thực sự tâm huyết, có tài, có đức phục vụ nhân dân.

Chúng ta đã trải qua xây dựng đảng, xây dựng đất nước nên đã có nhiều bài học thực tế về tổ chức quản lý, về nhận diện những điều tốt, xấu. Ở đây, những người làm có thực sự là vì nước vì dân không. Nếu như những người quan tâm, chăm lo đến đại hội các cấp này toàn tâm toàn ý vì nước vì dân thì không thể có người xấu lọt được, nếu có rất hãn hữu.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn