MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bùi Đức Thụ, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Ảnh: QH)

Muốn tăng lương cho cán bộ công chức, phải tinh giản biên chế

Xuân Hải LDO | 31/12/2017 10:19
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đồng ý thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1.7.2018. Trao đổi về vấn đề này, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của UBTVQH Bùi Đức Thụ cho rằng, để tăng lương cơ sở thêm 90 nghìn đồng/tháng, Chính phủ phải thắt chặt chi thường xuyên, tinh giản biên chế.

Ông Thụ nhấn mạnh: Để lành mạnh hóa an ninh tài chính, ngân sách nhà nước, thì ngoài việc rà soát, điều chỉnh chính sách thu cho công bằng, hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như những yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế. Cần tập trung tăng cường quản lý, tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước theo hướng triệt để tiết kiệm. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi chưa thật cần thiết, kém hiệu quả và theo đó phải giảm dần tỉ trọng chi thường xuyên, tăng cho chi đầu tư, tăng cho chi trả nợ.

Theo ông Thụ, việc tăng lương cơ sở từ 1.300.000 lên 1.390.000 đồng/tháng từ 1.7.2018 cũng sẽ làm cho ngân sách nhà nước tăng chi hơn 35.000 tỉ đồng. Đây là áp lực để cải thiện đời sống, ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám, hạn chế tiêu cực tham nhũng, nâng cao chất lượng công vụ… Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận việc cải cách tiền lương như vậy sẽ dẫn đến áp lực tăng chi, dẫn đến tăng bội chi.

Theo ông Thụ để giảm bội chi, phải tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm và cắt giảm những khoản chi không cần thiết và làm mạnh mẽ quyết liệt hơn bao giờ hết.

Ông Thụ lưu ý, vấn đề nữa là phải sử dụng NSNN một cách có hiệu quả. Qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì thấy việc đầu tư của chúng ta vào nền kinh tế đầu tư cơ sở hạ tầng cũng có những thất thoát, lãng phí; 12 dự án ngàn tỉ đồng thua lỗ với mức vốn rất cao. Do vậy, hơn lúc nào hết cần phải lập lại trật tự, kỷ cương. Phải hoàn thiện hệ thống pháp lý, tăng cường kỷ luật tài chính, chú trọng vào mức hiệu quả. Nếu không tình trạng, nguy cơ bất ổn về kinh tế vĩ mô, mất an ninh tài chính sẽ là nhãn tiền.

“Một trong những nhiệm vụ nữa là phải quán triệt tinh thần tiết kiệm, hiệu quả là những chỉ tiêu quan trọng nhất cần phải thực hiện. Rà soát cắt giảm những khoản chi không cần thiết như lễ hội, khánh tiết, đi nghiên cứu, tham quan, khảo sát ở nước ngoài...”, ông Thụ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn