MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: CSIS/AMTI

Mưu kế “Mượn gió bẻ măng” đang diễn ra trên Biển Đông?

Tiến sĩ Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ LDO | 20/04/2020 07:26

Ngày 18.4, Bộ Dân chính Trung Quốc ra thông cáo, Quốc vụ viện nước này mới đây đã phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “huyện Tây Sa” và “huyện Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Đây là những đơn vị hành chính được tuyên bố thành lập tại vị trí 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa

Trong quá trình thực thi chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thể không đề cập đến khi chứng minh và khẳng định Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với 2 quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa và Trường Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước Việt Nam. 

Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là Phủ khi thì Trấn: “Bãi Cát Vàng trong phủ Quảng Nghĩa” (Toản tập Thiên Nam Tứ chí Lộ đồ thư); “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa, thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh” (Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Dụ của Vua Bảo Đại số 10 ngày 29.2 năm Bảo Đại thứ 13 (30.3.1938), tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Ngãi, đặt vào tỉnh Thừa Thiên.

Ngày 20.10.1956, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh đổi tên các tỉnh miền Nam và đặt quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Ngày 13.7.1961, Việt Nam Cộng hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam. Ngày 6.9.1973, Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa ký Nghị định số 420-BNV-HCĐP sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Ngày 9.12.1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam quyết định thành lập huyện Trường Sa (Quyết định số 193/HĐBT) thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 11.12.1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam quyết định thành lập huyện Hoàng Sa (Quyết định số 194/HĐBT) thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ngày 28.12.1982, Quốc hội khoá 7 quyết định sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh, sau này tách thành Phú Yên và Khánh Hòa; huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. 

Ngày 1.1.1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương; huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Ngày 11.4.2007, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ban hành Nghị định số 65/NĐ/CP quyết định thành lập 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa: Thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa lớn và phụ cận); xã Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây và phụ cận); xã Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn và phụ cận). 

Với những chứng cứ có liên quan đến quá trình quản lý hành chính của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử nêu trên đã góp phần chứng minh rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII.   

Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông

Trong khi đó, để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1956, 1974 và năm 1988 xâm chiếm 6 thực thể phía Tây Nam Trường Sa. Sau khi xâm chiếm bất hợp pháp Hoàng Sa và một số thực thể ở Trường Sa, Trung Quốc tìm cách hợp thức hoá chủ quyền mà họ xâm chiếm bằng vũ lực đó. Tổ chức các đơn vị hành chính tại Hoàng Sa và Trường Sa là một tính toán có dụng ý của họ. Hành động này đã được Trung Quốc thực hiện từ lâu. Chẳng hạn, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã công bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý 3 quần đảo ở giữa Biển Đông: Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Maclesfield mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. 

Việc Trung Quốc công bố thành lập đơn vị hành chính cấp huyện đối với quần đảo này vào thời điểm hiện nay không nằm ngoài mục đích nói trên. Tuy nhiên, điều đáng nói về sự việc này là: Không phải đây chỉ là sự tiếp tục nâng cấp và cụ thể hoá biện pháp hành chính mà Trung Quốc đã tính toán thực hiện từ trước, mà đây có thể được coi là một mũi tiến công lợi hại trong cuộc “xâm lược mềm” nhằm tiến xuống phía Nam Biển Đông bằng kế sách “mượn gió bẻ măng” hết sức nham hiểm.

Việt Nam phản đối mạnh mẽ Trung Quốc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa, Nam Sa”

Ngày 19.4.2020, trước việc Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” ngày 18.4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”. Ngọc Vân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn