MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Năm 2022: Tạo chuyển biến văn hoá, ứng xử, thông tin trên không gian mạng

Phạm Đông - Hải Nguyễn LDO | 23/12/2021 15:33

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, ngành tuyên giáo cần nắm bắt được dư luận, hiểu người dân đang cần gì, những điểm nóng trong xã hội ngay từ cấp cơ sở, từ đó có định hướng, thông tin kịp thời. Trong năm 2022, phải tạo chuyển biến về văn hoá, ứng xử, thông tin trên không gian mạng.

Ngành tuyên giáo giữ vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng

Ngày 23.12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh tuyên giáo giữ vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức đối với cán bộ, đảng viên.

Từ các ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Năm 2022 chúng ta phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần, trên cơ sở nắm rõ những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức đối với các yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là những vấn đề mới”.

Theo ông, ngành tuyên giáo phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, tiên phong mở đường trong bảo vệ nền tảng tư tưởng và xây dựng Đảng về chính trị với tinh thần chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả.

Trước hết, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cấp uỷ các cấp, cơ quan Trung ương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, Đại hội đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2021-2025) và chương trình hành động của đại hội đảng các ngành, các cấp.

Trong đó, công tác tuyên giáo phải kiên định, chuẩn mực đối với những vấn đề thuộc về nguyên tắc, quan điểm mà Đảng đã nêu trong Đại hội XIII. Đồng thời linh hoạt, mềm dẻo, có tính khoa học, cách mạng, để từ đó giáo dục, thuyết phục, cảm hóa và thu phục được lòng người.

Thứ hai, ngành tuyên giáo cần quán triệt thật kỹ, thật gương mẫu Kết luận số 21 của Trung ương, ngày 25.10.2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Toàn cảnh hội nghị.

Thứ ba, để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, thống nhất trong nhận thức, trong hành động và trước hết là trong tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh trong năm 2022 phải tạo chuyển biến về văn hoá, ứng xử, thông tin trên không gian mạng.

Thứ tư, trong hoạt động tuyên truyền, báo chí, xuất bản, dư luận xã hội và thông tin đối ngoại, ngành tuyên giáo cần nắm bắt được dư luận, hiểu người dân đang cần gì, những điểm nóng trong xã hội ngay từ cấp cơ sở, từ đó có định hướng, thông tin kịp thời nhất là đối với những lĩnh vực thực thi pháp luật, hoạt động kinh tế-xã hội, vấn đề nổi cộm, nhằm tháo gỡ ngay điểm nóng, không để phát sinh, lan toả.

“Dứt khoát chúng ta phải quán triệt quan điểm báo chí cách mạng. Đó là đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính hiện đại, đạo đức cách mạng của người làm báo” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới

Thứ năm, công tác tuyên giáo, trong năm 2022, phải tập trung làm rõ, truyền tải những vấn đề về xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới. Phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia và dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.

Trong đó, chuẩn mực cơ bản của giá trị con người Việt Nam là yêu nước đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo, hài hoà với hệ giá trị gia đình Việt Nam là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh, từ đó bồi đắp thêm là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các hệ giá trị phải trên nền tảng giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Thứ sáu, trong năm 2022 phải nâng tầm, tạo chuyển biến trong công tác khoa giáo trước hết trong lĩnh vực lịch sử, an sinh xã hội, khoa học và công nghệ…

Thứ bảy, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của các liên hiệp hội, hội khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật để đoàn kết, tập hợp, phát huy trí tuệ của các trí thức, văn nghệ sỹ cống hiến cho sự phát triển của nước nhà.

Thứ tám, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo gắn với yêu cầu của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, yêu cầu xây dựng hệ thống Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Ngành tuyên giáo sẽ rà soát lại hệ thống nhà trường liên quan đến đào tạo, công tác tuyên giáo; có sự thống nhất trong dạng đối với công tác tổ chức bộ máy tuyên giáo ở các bộ ngành, địa phương.

Cuối cùng, ngành tuyên giáo phải đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để chủ động truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời, xử lý các vấn đề nóng, điểm nóng ngay khi mới phát sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn