MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thực hiện thủ tục hành chính ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Năm 2023, gần 11.000 công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc

Vương Trần LDO | 19/12/2023 15:44

Trong năm 2023 có 10.880 công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc, trong đó số người nghỉ ở Trung ương là 983 người, ở địa phương là 9.897 người.

Bộ Nội vụ vừa có báo cáo về việc quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, trong năm 2023 (từ 1.1 đến 15.12.2023), tổng số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật là 17.808 người; số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người. Trong đó ở Trung ương là 983 người (110 công chức, 873 viên chức), ở địa phương là 9.897 người (866 công chức, 9.031 viên chức).

Cũng theo Bộ Nội vụ, trong năm 2023 đã tập trung nghiên cứu, rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó có nhiều nội dung đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh phân cấp và cải cách thủ tục hành chính trong các khâu tuyển dụng, nâng ngạch công chức, xét thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, liên thông giữa các quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn đổi mới công vụ, công chức; tiếp tục hoàn thiện quy định, cơ chế để sàng lọc, thay thế kịp thời những người thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế…

Đặc biệt đã tham mưu Chính phủ thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung tạo cơ sở quan trọng để khắc phục tình trạng không ít cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm khiến công việc nhiều nơi bị trì trệ, gây ách tắc; qua đó tạo thêm động lực để cán bộ, công chức tự tin, bản lĩnh hơn khi đương đầu với khó khăn, thử thách trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Đến nay đã có nhiều địa phương ban hành văn bản triển khai Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Bình Phước, Hải Dương, Quảng Nam;

Báo cáo kết quả rà soát Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và các luật có liên quan để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 05 Thông tư.

Thực hiện thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài vào hệ thống cơ quan nhà nước và chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện;

Báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về “Đề án thí điểm mở rộng việc bố trí Chủ tịch UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành công an, thuế, hải quan… không phải là người địa phương”; đồng thời, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm nâng cao chất lượng tuyển dụng và tiết kiệm ngân sách, thời gian, công sức trong tổ chức tuyển dụng.

Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm;

Báo cáo về thực trạng, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn