MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ KHĐT. Ảnh: Trần Nam

Năm 2023 rất nhiều thách thức, cần giải pháp mạnh để đạt tăng trưởng

Vũ Long LDO | 04/01/2023 12:47

Trên đà tăng trưởng kinh tế của năm 2022, cần nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023. Bởi năm nay được dự báo là có nhiều khó khăn, thách thức.

Giải pháp để đạt tăng trưởng trong năm 2023

Sáng 4.1.2023, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Bộ KHĐT tập trung thực hiện các giải pháp. Trong đó, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự hội nghị tổng kết của Bộ KHĐT. Ảnh: TTXVN

Khẩn trương ban hành ngay chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, báo cáo theo Chương trình công tác đã đăng ký, phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ, bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế...

"Cần tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật. Phối hợp với địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; có các giải pháp tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Việt Nam đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kinh tế trong năm 2022

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%.

Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu đề ra là 6-6,5%). Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế, xã hội trong năm qua, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có một phần trách nhiệm và sự đóng góp của Bộ KHĐT. Năm 2022, Bộ KHĐT đã hoàn thành 565/565 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đặc biệt, Bộ KHĐT đã tham mưu nhiều giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn